Multimedia Đọc Báo in

Những chiến sĩ báo chí trên mặt trận phòng chống COVID-19

07:33, 21/06/2021

Trong những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với các lực lượng tuyến đầu thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương cũng đã không ngại hiểm nguy “xông pha” vào những “điểm nóng” để mang đến những thông tin nhanh, chính xác, kịp thời, giúp người dân yên tâm, tin tưởng chung tay cùng chính quyền, địa phương chống dịch.

Nhân lên những hình ảnh đẹp

Khi dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát trở lại với sự xuất hiện của những ca bệnh mới trên địa bàn là những ngày nhóm phóng viên viết về COVID-19 của Báo Đắk Lắk luôn tất bật với guồng quay công việc. Dù là ngày hay đêm, dù ở địa phương nào, khi có thông tin về dịch bệnh, nhóm đều có mặt kịp thời để truyền tải thông tin nhanh nhất, chính xác nhất.

Trên các số báo ra hằng ngày (cả báo in và báo điện tử) đều có các tin, bài phản ánh kịp thời, khách quan, chân thực, đi thẳng vào những vấn đề mà bạn đọc quan tâm trong công tác phòng, chống dịch. Các tin, bài, phóng sự ảnh không chỉ phản ánh về cuộc sống người dân nơi vùng dịch cũng như sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự quyết tâm của lực lượng chức năng trong công tác phòng chống dịch, mà còn góp phần định hướng, phản bác những thông tin thiếu chính xác, tin giả, gây hoang mang dư luận xã hội.

Phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương phỏng vấn lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại khu cách ly tập trung của tỉnh.
Phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương phỏng vấn lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại khu cách ly tập trung của tỉnh.

Đi nhiều nơi trong mùa dịch, nhà báo Hoàng Tuyết chia sẻ, vất vả nhất vẫn là lực lượng y bác sĩ, phải chạy đua với thời gian, phải làm việc trong môi trường đầy rẫy nguy cơ rình rập khi thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, người tiếp xúc gần với người bệnh, cả ngày khoác trên mình bộ đồ bảo hộ nóng nực, bí bách. Rồi lực lượng công an, quân đội cũng vất vả không kém khi phải thường xuyên túc trực làm nhiệm vụ ở các khu cách ly, phong tỏa… Vì vậy, người viết luôn cố gắng truyền tải một cách chân thực nhất về công việc của họ để cộng đồng thêm thấu hiểu, sẻ chia.

Trực tiếp tham gia cùng các lực lượng làm công tác phòng chống dịch, được chứng kiến sự hy sinh của họ, mỗi phóng viên tự thấy mình cần có trách nhiệm hơn khi thông tin về dịch bệnh và cần góp sức nhiều hơn nữa để cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh.

Thực tế cho thấy, thông qua các bài viết trên Báo Đắk Lắk, từ khi xảy ra dịch bệnh, rất nhiều cá nhân, tổ chức trên địa bàn đã đứng ra vận động và tự đóng góp mua lương thực, nhu yếu phẩm, nấu cơm gửi tặng cán bộ, chiến sĩ và người dân tại các chốt kiểm dịch, các khu cách ly, phong tỏa. Những việc làm tốt ấy cứ thế lan tỏa trong cộng đồng, để tiếp nối truyền thống đoàn kết, đồng lòng cùng nhau chống dịch.

Trong gian khó người làm báo trưởng thành hơn

Cùng với nhóm phóng viên viết về COVID-19 của Báo Đắk Lắk, trong những ngày dịch diễn biến phức tạp trên địa bàn, hàng chục phóng viên của các cơ quan thông tấn  báo chí Trung ương và địa phương đã luôn cố gắng trong công tác tuyên truyền, kịp thời thông tin tình hình dịch COVID-19, lan tỏa những hành động đẹp, tạo hiệu ứng tốt trong việc định hướng dư luận, chủ động phản bác những thông tin sai sự thật… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống dịch cũng như củng cố niềm tin cho nhân dân về sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong “cuộc chiến” chống dịch COVID-19. Những cái tên đã gắn liền với thông tin dịch bệnh COVID-19 được các lực lượng chức năng và bạn đọc ghi nhớ như: Nam Trang (Đài Tiếng nói Việt Nam), Tuấn Anh (Thông tấn xã Việt Nam), Văn Thành (Báo Công an nhân dân), Hải Yến (Đài PT – TH Đắk Lắk)…

Các phóng viên báo chí tác nghiệp trong thời điểm gỡ phong tỏa cách ly y tế khu dân cư 189/1 Mai Hắc Đế, phường Tân Thành,  TP. Buôn Ma Thuột.
Các phóng viên báo chí tác nghiệp trong thời điểm gỡ phong tỏa cách ly y tế khu dân cư 189/1 Mai Hắc Đế, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột.

Với nhà báo Nam Trang, để tiếp cận kịp thời nhiều thông tin phong phú, đa chiều và đảm bảo sát định hướng truyền thông, chị đã không ngần ngại xông pha vào những “điểm nóng” để tác nghiệp, sẵn sàng chờ đợi hàng giờ chỉ để nhận được một cái gật đầu xác nhận thông tin của người có chức trách. Những phóng sự của nhà báo Nam Trang đã phản ánh toàn diện hoạt động phòng, chống dịch ở Đắk Lắk, từ gương những chiến sĩ biên phòng đang làm công tác chống dịch trên tuyến biên giới, những y bác sĩ, điều dưỡng điều trị cho bệnh nhân COVID-19, đến công tác cách ly, khoanh vùng, dập dịch… Đặc biệt, chị còn tích cực kết nối sự hỗ trợ của các mạnh thường quân đến với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Sẵn sàng có mặt ở "điểm nóng", phóng viên cũng luôn thực hiện nghiêm quy định an toàn phòng chống dịch. Không chỉ trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ, tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng, mỗi người còn hết sức cẩn trọng thực hiện đầy đủ việc khử khuẩn sau mỗi lần tác nghiệp trở về để đảm bảo an toàn cho gia đình và những người xung quanh. Bởi như lời tâm sự của nhà báo Hải Yến (Đài Phát thanh – Truyền hình Đắk Lắk): "Tuyên truyền về dịch COVID-19, chúng tôi càng phải nâng cao ý thức về phòng chống dịch, nếu mình không thực hiện tốt thì không thể tuyên truyền đạt hiệu quả".

Kim Oanh


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.