Những cung đường tác nghiệp
Trên những cung đường tác nghiệp của phóng viên báo chí, những đoạn đường "khó đi" lại thường dẫn đến những câu chuyện khó quên.
Còn nhớ, để thực hiện loạt bài “Canh bạc Hoàng Gia” phản ánh hình thức lừa đảo kinh doanh đa cấp vào giữa năm 2019, tôi cùng một đồng nghiệp giàu kinh nghiệm đã đeo đuổi sự việc suốt hơn một năm trời. Trong đó, có thời điểm nguy hiểm rình rập khi người viết phải nhập vai, đi thực tế nhiều địa phương trong tỉnh để tiếp xúc với các nhân vật trong bài.
Phóng viên các cơ quan báo chí trong một lần tác nghiệp. |
Đó là khi đã biết rõ các đối tượng mà Công ty Hoàng Gia hướng đến, chúng tôi liều mình vào vai “người tiêu dùng” chưa có việc làm. Để không bị lộ, chúng tôi chuẩn bị rất kỹ từ cách ăn mặc, việc trả lời phỏng vấn, cũng như cách cất giấu thiết bị tác nghiệp. Siêu thị Hoàng Gia lúc đó tấp nập người vào ra, nhưng không phải để mua hàng mà để tham gia vào các gói đầu tư với giá trị từ 12 triệu đến 3 tỷ đồng. Thấy chúng tôi bước vào, người của Hoàng Gia khá thận trọng. Sau một hồi quan sát, họ liên tiếp đặt nhiều câu hỏi xung quanh việc vì sao đến nơi này. Vượt qua vòng ngoài “phỏng vấn”, chúng tôi được chào mời trở thành người của “đại gia đình Hoàng Gia” với một tương lai xán lạn...
Từ đó, chúng tôi dần thâm nhập vào những góc khuất của cái gọi là "đại gia đình" này, nhiều lần về các xã, huyện – nơi có đông “nhà đầu tư” tham gia Hoàng Gia để tìm hiểu. Thời điểm ấy khá nhạy cảm vì Công ty Hoàng Gia đã không còn trả được lợi nhuận như đã hứa hẹn. Hàng nghìn “nhà đầu tư” trên khắp cả nước, trong đó có Đắk Lắk rơi vào cảnh trắng tay. Dù vậy, một số người vẫn bị “ru ngủ” và mù quáng tin rằng sẽ sớm thu hồi được cả vốn lẫn lãi. Vì vậy nên khi người viết đến tìm hiểu sự tình, một số gia đình tỏ ra rất khó chịu, kiệm lời, thậm chí chửi mắng, tìm cách đuổi khéo…
Sau hơn một năm "nhập vai" nhân vật, chúng tôi đã thu thập được những thông tin cần thiết, cuối cùng loạt bài “Canh bạc Hoàng Gia” được đăng tải. Cùng với sự vào cuộc ráo riết của các cơ quan báo chí và ngành chức năng trên địa bàn, sự thật về Công ty Hoàng Gia dần được đưa ra ánh sáng.
Có lần, để kịp đưa thông tin về một sự kiện diễn ra ở thôn Thanh niên lập nghiệp, xã biên giới Ia Lốp (huyện Ea Súp), tôi phải lên đường từ tờ mờ sáng. Quãng đường hơn 100 km, dày đặc ổ voi, ổ gà ngày thường đã khó đi, vào mùa mưa lại càng xa ngái, trắc trở.
Phóng viên các cơ quan báo chí trong lần tác nghiệp tại vùng lũ huyện Ea Súp. |
Được giúp đỡ, tôi đi nhờ xe vào trung tâm thị trấn Ea Súp và tiếp tục liên hệ, tìm cách vào xã vùng biên. Sau nhiều cuộc gọi, tôi tìm đến chiếc bán tải chở hàng của Đoàn thanh niên đang trên đường vào điểm đích. Ca bin xe lúc này đã rất chật, nhưng không còn thời gian để chần chừ nữa, tôi nhanh chóng ngồi chen chúc với 3 người lạ trên xe, dù cũng không khỏi hoang mang, nghi ngại. Nhất là khi gần 4 giờ đi qua những đoạn đường ngập lụt cục bộ, ướt át, hun hút gió rừng, không bóng người.
Ban đầu chỉ là phép lịch sự, chúng tôi cùng hỏi han, chuyện trò. Nhưng rồi, sự tếu táo, trẻ trung và tinh thần nhiệt huyết của các anh khi nói về tình yêu, gia đình, công việc, hoạt động thiện nguyện giúp chúng tôi tìm thấy sự đồng cảm. Tôi trân trọng những người bạn mới của mình hơn nhờ thái độ, hành động và những câu chuyện, phần việc họ đã làm cho xã hội, quê hương.
Đến thôn khi đã gần trưa, đón đợi là những nụ cười trong trẻo, tiếng cười nói hồn nhiên của con trẻ khiến tôi như được tiếp thêm sức mạnh, bỏ lại sau lưng hành trình mệt nhọc vừa đi qua…
Bên chiếc xe bán tải, các anh đã xong việc nhưng kiên nhẫn nán lại đến cuối buổi để chờ tôi cùng về trung tâm huyện. Trở về trên con đường cũ, nhưng tôi cảm thấy gần hơn nhờ những người bạn mới. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn thường liên lạc, hỏi thăm nhau, và khi gặp lại vẫn thường nhắc nhớ về chuyến đi nhiều kỷ niệm.
Bảo Minh