Thầm lặng những người sau "cánh gà"
Khi đón nhận mỗi tác phẩm báo chí, nhiều người thường nghĩ ngay đến tác giả của tác phẩm - những phóng viên, nhà báo mà ít khi nói tới biên tập viên và những công việc thầm lặng của họ.
Nhà báo Lã Hồng Thủy làm phóng viên tại Báo Đắk Lắk từ năm 2003; đến năm 2009 thì được chuyển về Phòng Thư ký xuất bản làm nhiệm vụ biên tập tin, bài của cộng tác viên (CTV) ngoài tòa soạn. Lo lắng và hơi hoang mang là cảm giác của chị khi nhận nhiệm vụ mới bởi vì trước đó chỉ cần viết tin, bài và đã có người khác biên tập; bây giờ đi chỉnh sửa tin, bài của người khác thì phải làm sao đây?
Lúc đó, tòa soạn chưa nhận tin, bài qua email mà chủ yếu vẫn nhận qua đường bưu điện, bản thảo "chất cả đống", viết tay có, đánh máy cũng có. Thời gian đầu, việc biên tập thực hiện bằng viết tay lên bản thảo; sau đó mới biên tập trên máy vi tính, mỗi bản biên tập đính kèm bản gốc để so sánh, đối chiếu. Rồi tòa soạn mời CTV gửi bài qua email. Đến giờ thì công việc thuận tiện hơn nhiều, ngoài email, báo còn tiếp nhận tin, bài qua hệ thống tòa soạn điện tử, CTV có thể theo dõi bản thảo của mình được biên tập ra sao, đang được xử lý ở cấp độ nào.
Nhà báo Lã Hồng Thủy đang xử lý tin, bài. Ảnh: Đức Văn |
CTV gồm nhiều đối tượng, ngành nghề, trình độ, cách viết khác nhau. Có những bản thảo chỉ sửa vài ba lỗi chính tả, lại có những tin, bài mà biên tập viên gần như phải viết lại toàn bộ. Có những bài viết dài hai, ba trang giấy, nhưng sau khi biên tập thì chỉ thành một cái tin vắn. Chị Thủy cũng luôn phải nỗ lực học hỏi, đọc sách báo để bổ sung kiến thức, trong biên tập cố gắng tôn trọng văn phong đa dạng của CTV. Niềm vui nhất là mỗi khi thấy các bài viết của CTV do mình biên tập nhận được phản hồi tốt của độc giả hoặc tạo nên hiệu ứng tích cực. Hay đơn giản chỉ là những tin, bài “nóng” của CTV được xử lý kịp thời thu hút hàng nghìn lượt đọc của độc giả.
Chị Thủy nhớ mãi cuối năm 2013, nhận được bản thảo kể về những chiến công của Trung đoàn 25 của cựu chiến binh Trần Việt Thành, nguyên cán bộ tuyên huấn Ban Chính trị Trung đoàn 25. Bài viết về chiến công của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 25, góp phần quan trọng giải phóng Buôn Ma Thuột, tiến tới giải phóng miền Nam mà trước đó nhiều người chưa được nghe kể. Bản thảo của tác giả rất dài, dữ liệu lịch sử đan xen, đôi lúc nhầm lẫn. Chị phải “vật lộn” với bản thảo hai ngày, sắp xếp, tra cứu và biên tập, rút tít thành một bài viết 3 kỳ “Trung đoàn thép trên đất Tây Nguyên”. Sau khi báo đăng, chị nhận được điện thoại của tác giả cảm ơn tòa soạn và rất vui, vì xem đó là một cách tri ân đối với thế hệ những người đã từng một thời xông pha trận mạc.
Một trong những cây bút có nghề và là biên tập viên kỳ cựu trong làng báo Đắk Lắk là nhà báo Nguyễn Quốc Bảo (Đài Phát thanh – Truyền hình Đắk Lắk). Anh công tác tại Phòng Thời sự của Đài từ năm 2004 với vai trò phóng viên. Với tay nghề vững vàng, anh được sự tin tưởng của lãnh đạo Đài và các đồng nghiệp, năm 2015 được bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng Phòng Thời sự. Anh vừa biên tập đầu vào vừa duyệt sản phẩm đầu ra của phóng viên trước khi cho lên sóng. Để có những tác phẩm chất lượng, anh định hướng, gợi mở nội dung cho phóng viên để anh em tác nghiệp thuận lợi. Công việc biên tập của anh đòi hỏi phải bảo đảm hình ảnh và lời bình có sự hợp lý trong phân cảnh của kịch bản. Người biên tập phải tôn trọng ý tưởng của tác giả và cố gắng làm nổi bật nội dung tác phẩm. Trong công việc, anh Bảo luôn đặt mình vào vị trí khán giả để tạo ra tác phẩm ấn tượng, ngắn gọn và mang đến cảm xúc cho công chúng.
Nhà báo Nguyễn Quốc Bảo (bên phải) cùng phóng viên tác nghiệp tại cơ sở. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Bên cạnh công việc biên tập, xử lý tác phẩm của phóng viên, anh Bảo cũng trực tiếp đi tác nghiệp. Anh cố gắng tìm những đề tài hay, cách thể hiện mới lạ, chuyên nghiệp và hấp dẫn. Nhiều tác phẩm của anh đã tạo được tiếng vang lớn trong xã hội và công chúng. Đặc biệt, gần đây nhất, tác phẩm Phóng sự truyền hình "Chàng trai bị ung thư và lớp học cho trẻ em nghèo" đoạt giải C của Giải báo chí Quốc gia năm 2020 cho thể loại Phim tài liệu và là tác phẩm được khán giả bình chọn nhiều nhất tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2020. “Với anh em làm truyền hình, khán giả vừa là cái đích, vừa là điểm khởi đầu của mỗi tác phẩm. Sự đón nhận của công chúng là động lực để chúng tôi phấn đấu làm nên những tác phẩm hay”, nhà báo Quốc Bảo chia sẻ.
Có thể nói, biên tập tác phẩm báo chí là công việc phía sau “cánh gà”. Họ cũng có những nỗi niềm khó nói, tác phẩm hay cũng không được biết đến, nếu cắt nhiều quá thì bị tác giả phàn nàn, để sót "sạn" thì bị độc giả chê bai. Tuy nhiên, niềm vui của họ là tác phẩm sau khi ra mắt được công chúng nhiệt tình đón nhận và đánh giá cao.
Minh Chi