Multimedia Đọc Báo in

Thấp thỏm vì đường điện thiếu an toàn

08:14, 11/06/2021

Nhiều năm nay, hệ thống đường điện xuống cấp đã trở thành nỗi lo thường trực của người dân xã Buôn Triết (huyện Lắk), đặc biệt là vào mùa mưa bão.

Thôn Đoàn Kết 2, xã Buôn Triết có gần 300 hộ dân sinh sống, trong đó có khoảng 70 hộ phải tự kéo điện sử dụng hơn 10 năm nay. Các hộ này nằm dọc hai tuyến đường nội thôn, cách trụ điện chính từ 300 m đến 1 km. Người dân tự dựng cột điện bằng gỗ xiêu vẹo, chắp nối, có thể gãy đổ bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, việc đấu nối đường dây điện kém chất lượng, nhiều đoạn nối tạm bợ làm hở mạch điện, nằm võng xuống cách mặt đất chỉ 1 m, trẻ em cũng có thể với tới, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Do đó, Ban tự quản thôn đã treo biển cảnh báo nguy hiểm tại những khu vực này để nhắc nhở người dân chú ý an toàn.

Đường điện kéo ngang đường ở thôn Mê Linh 1 quá thấp, thường xuyên bị đứt dây do xe tải đi qua va chạm.
Đường điện kéo ngang đường ở thôn Mê Linh 1 quá thấp, thường xuyên bị đứt dây do xe tải đi qua va chạm.

Ông Mai Danh Thuấn, Trưởng thôn Đoàn Kết 2 cho biết, không chỉ thiếu an toàn, nhất là vào mùa mưa mà điện còn rất yếu, thường xuyên chập chờn, mất điện vào giờ sinh hoạt cao điểm, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cùng với đó, giá điện phải đóng hằng tháng cũng cao gấp đôi so với bình thường, gây khó khăn cho người dân, nhiều hộ không có điều kiện sử dụng điện. Ông Thuấn đã kiến nghị vấn đề này với xã thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, họp HĐND xã; Công ty Điện lực huyện Lắk cũng đã xuống khảo sát nhiều lần, nhưng do chưa có kinh phí triển khai nên nhiều năm nay mong mỏi nâng cấp đường điện của người dân trong thôn vẫn dang dở.

Anh Bùi Thọ Trọng, người dân trong thôn Đoàn Kết 2 chia sẻ: Gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, mới được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà theo Chương trình 167. Do không có điều kiện kinh tế để trả tiền điện hằng tháng nên nhiều năm nay gia đình anh phải sống trong cảnh không có điện. Trong khi đó, chi phí để sử dụng bình ắc quy và máy phát điện khá cao nên gia đình lựa chọn đèn dầu, nến để thắp sáng.

Khác với thôn Đoàn Kết 2, hơn hai năm nay, người dân thôn Mê Linh 1 đã được Nhà nước nâng cấp hệ thống đường điện, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Tuy nhiên, tuyến đường nội thôn mới được nhựa hóa, mặt đường được nâng cao lên 2 m khiến các trụ điện hai bên đường bị thấp xuống. Một số vị trí chỉ cao hơn 4 m so với mặt đất, đoạn nào người dân tự kéo điện thì trụ điện chỉ cao khoảng 3 m.

Ông Bùi Đăng Duy, người dân trong thôn cho hay, trụ điện thấp khiến dây điện chùng xuống, đồng hồ tổng nằm gần sát mặt đất, mùa mưa thường xuyên cháy nổ, người dân phải nhắc nhở, chú ý không cho trẻ con chơi xung quanh khu vực trụ điện. Chưa kể, một số đường dây cáp trần nằm gần sát với mái tôn nhà dân, rất nguy hiểm. Dây điện tự kéo ngang qua đường quá thấp, khiến nhiều xe tải vận chuyển nông sản đi qua thường xuyên va chạm làm đứt dây điện. Hệ thống đường điện thấp khiến người dân luôn lo lắng, bất an, nhất là mùa mưa bão.

Nhiều  đồng hồ điện tại thôn  Mê Linh 1 được đặt  gần mặt đất.
Nhiều đồng hồ điện tại thôn Mê Linh 1 được đặt gần mặt đất.

Ông Đinh Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Triết cho hay, đa phần hệ thống đường điện tại địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu người dân, nhiều đường điện xuống cấp gây mất an toàn như ở thôn Mê Linh 1, Mê Linh 2, Đoàn Kết 1, Đoàn Kết 2, buôn Tung 1… Các thôn này nằm gần trung tâm xã, người dân làm nhà sát mặt đường, dây điện chằng chịt vắt vẻo trên mái tôn, đường dây trần cũng nằm gần mái nhà rất dễ bị nhiễm điện. Người dân ở nhiều thôn, buôn phải tự kéo điện sử dụng nên hệ thống, thiết bị điện chưa đảm bảo.

Bên cạnh đó, ý thức người dân còn chủ quan, lơ là trong việc phòng tránh khi đường điện thiếu an toàn. Đã xảy ra hai vụ điện giật nghiêm trọng do đụng phải dây trần và nhiều trường hợp tai nạn nhẹ ở địa phương. Xã Buôn Triết đã gửi văn bản đề nghị các cấp có thẩm quyền khắc phục, nâng cấp đường điện, nhưng do khó khăn về nguồn kinh phí nên đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Phương Thảo


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.