Multimedia Đọc Báo in

Xuất khẩu lao động: Chủ động ứng phó với dịch bệnh COVID-19

08:14, 16/06/2021

Công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Khó đạt chỉ tiêu

Đến cuối tháng 5-2021, toàn tỉnh có 323 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là thị trường Đài Loan (Trung Quốc).

Nhận định về hoạt động XKLĐ trong thời gian tới, bà Trần Thị Minh Lý, Trưởng phòng Lao động việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TBXH) cho biết, dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến lao động đang làm việc ở trong nước do các doanh nghiệp cắt giảm sản xuất, đóng cửa mà còn ảnh hưởng đến những lao động chuẩn bị xuất cảnh.

Tư vấn xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Tư vấn xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các nước và vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động của tỉnh như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... đã ban hành các quy định cấm hoặc hạn chế nhập cảnh đối với công dân nước ngoài. Bên cạnh đó, việc tạm dừng các chuyến bay quốc tế giữa Việt Nam và một số quốc gia tiếp nhận lao động khiến số lao động đã trúng tuyển và làm hồ sơ bị "mắc kẹt", không thể xuất cảnh được. Mặt khác, người lao động đang có tâm lý sợ dịch bệnh nên còn e ngại đăng ký XKLĐ. Do đó, mục tiêu trong năm 2021 của tỉnh đưa 1.250 lao động đi làm việc ở nước ngoài khó trở thành hiện thực trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Năm 2020, toàn tỉnh có 1.100 lao động đi làm việc tại các nước Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…, với công việc chủ yếu là công nhân xây dựng, cơ khí chế tạo, sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài này chủ yếu do các doanh nghiệp tạo nguồn và lao động đã trúng tuyển ở các tháng cuối năm trước.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (thuộc Sở LĐ-TBXH) 5 tháng đầu năm 2021 giới thiệu được 20 lao động có nhu cầu XKLĐ đến các công ty phỏng vấn, sơ tuyển. Kết quả có 5 lao động sang nước ngoài làm việc theo hợp đồng, 7 lao động đang chờ xuất cảnh sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo ông Lê Hải Lý, Giám đốc Trung tâm, nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, dự kiến trong năm 2021, đơn vị chỉ giới thiệu được khoảng 25 lao động xuất cảnh, đạt 50% kế hoạch. Năm 2020, các thị trường XKLĐ tạm dừng hoặc hạn chế tiếp nhận lao động ngoài nước nên công tác XKLĐ do đơn vị giới thiệu gặp rất nhiều khó khăn, cũng chỉ đạt hơn 50% kế hoạch đề ra.

Cả doanh nghiệp và người lao động… "tự làm mới mình”

Bên cạnh tác động của dịch bệnh COVID-19 làm giảm số lượng XKLĐ, công tác XKLĐ của tỉnh trong những năm qua vẫn còn một số hạn chế. Đó là nguồn lực lao động vẫn còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp yêu cầu của thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp… “Thời kỳ COVID-19 có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất của hoạt động XKLĐ, song cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp và người XKLĐ tự làm mới mình”, bà Trần Thị Minh Lý, Trưởng phòng Lao động việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TBXH) nhận xét.

Cụ thể các doanh nghiệp XKLĐ cần nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng và thâm nhập sâu vào những thị trường khắt khe hơn, từng bước nâng cao thu nhập cho lao động khi xuất cảnh. Còn đối với người lao động trong thời gian đang chờ xuất cảnh, thay vì bi quan khi chờ đợi lịch bay, cần tiếp tục học tập, trau dồi chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng để khi xuất cảnh có thể tham gia ngay vào thị trường lao động nước sở tại.

Em Nguyễn Thị Thanh Phượng (thôn 1A, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) đang học khóa đào tạo định hướng  theo hình thức trực tuyến trước khi sang Hàn Quốc làm việc.
Em Nguyễn Thị Thanh Phượng (thôn 1A, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) đang học khóa đào tạo định hướng theo hình thức trực tuyến trước khi sang Hàn Quốc làm việc.

Em Nguyễn Thị Thanh Phượng (SN 1998), ở thôn 1A, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin là một trong 5 lao động của tỉnh Đắk Lắk đang tham gia khóa đào tạo định hướng theo hình thức trực tuyến do Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ - TBXH) tổ chức từ ngày 10-6 đến 18-6 trước khi sang Hàn Quốc làm việc. Ngoài được trang bị kiến thức pháp luật, văn hóa Hàn Quốc, hướng dẫn xin cấp visa em còn được giải đáp những thắc mắc liên quan. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nên sau khi hoàn thành khóa đào tạo định hướng này, em sẽ sang Hàn Quốc làm việc. Trước đó vào ngày 13-6, em trai của Phượng là Nguyễn Hữu Phong (SN 2000) đã ra Hà Nội để xuất cảnh sang Hàn Quốc lao động. Cũng như nhiều lao động khác, em Phượng khá tự tin khi sang "xứ sở Kim chi" làm việc, bởi đã có người thân đang lao động bên ấy, với mức thu nhập khá ổn định.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, thị trường XKLĐ chịu tác động tiêu cực là khó tránh khỏi, thời điểm này Sở LĐ-TBXH chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho lao động Việt Nam trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đặc biệt, thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh tại các thị trường, nhất là thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… để doanh nghiệp xuất khẩu lao động có cơ sở tư vấn cho những người có nguyện vọng nắm bắt thông tin. Phối hợp với các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có chức năng XKLĐ đến địa bàn tư vấn, tuyển chọn lao động (tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch bệnh); tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động.

Trần Nguyên

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.