Multimedia Đọc Báo in

Chàng trai da cam với "nghị lực thép"

14:24, 26/07/2021

Thân thiện, lạc quan, yêu đời là những cảm nhận đầu tiên của nhiều người khi tiếp xúc với chàng trai Nguyễn Thuận Tùng (SN 1994, thôn 7, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin).

Dù mang trong mình nỗi đau, di chứng của chất độc da cam, nhưng Tùng đã luôn nỗ lực vươn lên, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Sinh ra trong gia đình có năm anh chị em, Tùng là con út trong nhà. Khác với các anh chị mình, ngay từ khi ra đời, Tùng đã bị căn bệnh xương thủy tinh do ảnh hưởng của chất độc da cam. Không thể đi lại được nên mọi sinh hoạt hằng ngày phải nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình.

Gia đình không có điều kiện và sức khỏe của Tùng cũng không cho phép em được đến trường học tập như các bạn cùng trang lứa, Tùng đã tự đặt mua bảng chữ cái tiếng Việt, bút, vở về mày mò tập đọc, tập viết, rồi bật các bài hát lên để nghe rồi nhẩm theo giai điệu.

Cứ như thế, Tùng không những nhanh chóng thành thạo các con chữ, con số mà còn thuộc nhiều bài hát.

Nguyễn Thuận Tùng tự thiết kế  bảng hiệu cho mình.
Nguyễn Thuận Tùng tự thiết kế bảng hiệu cho mình.

Năm 2009, Tùng đã xin làm cộng tác viên cho Viettel huyện Cư Kuin, chủ yếu bán sim, thẻ nạp điện thoại qua mạng Internet để kiếm thêm thu nhập. Nhưng chưa làm cộng tác viên được bao lâu thì anh trai bị bệnh nặng, Tùng đã phải xin nghỉ việc để chăm sóc anh mình. Sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, anh trai Tùng đã không qua khỏi. Mất mát đó đã khiến Tùng suy sụp, nhưng vì thương bố mẹ khi đã ở tuổi xế chiều, bệnh tật nhiều, vừa phải cật lực làm lụng vất vả, vừa phải chăm sóc cho mình, Tùng đã nhanh chóng lấy lại tinh thần và nhận ra rằng, để bớt gánh nặng cho gia đình, trước tiên phải tự lo được cho bản thân mình.

Năm 2015, Tùng được nhận vào làm lại tại Viettel huyện Cư Kuin. Trân trọng cơ hội này, Tùng đã tích cực làm việc. Chỉ sau 6 tháng thử việc, Tùng được nhận vào làm nhân viên chính thức và tự mở “Điểm giao dịch – Thuận Tùng” tại nhà, với các dịch vụ chuyển tiền, rút tiền qua thẻ ATM, thanh toán cước, cung cấp thẻ cào điện thoại… “Khi mình mở điểm giao dịch này, không ít những lời dị nghị, bàn tán của những người xung quanh, họ không tin tưởng vào năng lực của mình. Nhưng với mục tiêu đã đặt ra, mình luôn nỗ lực học hỏi và hoàn thành công việc nhanh chóng, hiệu quả nhất, tạo uy tín với khách hàng. Vì vậy, khi sử dụng dịch vụ do mình tư vấn, khách hàng đều rất hài lòng và luôn tìm đến mình khi cần”, Tùng chia sẻ.

Nguyễn Thuận Tùng nhận xe lăn từ Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh.
Nguyễn Thuận Tùng nhận xe lăn từ Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh.

Với sự năng động, hoạt bát của mình, thời gian rảnh, Tùng chăm chỉ đăng bài trên các trang Facebook, Zalo để bán máy in mini, điện thoại di động, bảo hiểm xe máy… Tùng còn hỏi học thêm cách chỉnh sửa ảnh cưới, in ấn bảng hiệu, thiệp cưới và nhận làm tại nhà khi khách hàng có nhu cầu. Tất cả các công việc đều được thực hiện trên máy tính, điện thoại, nên rất thuận lợi và phù hợp với hoàn cảnh của Tùng. Được mọi người yêu quý, việc giao dịch, in ấn, bán hàng của Tùng cũng gặp nhiều thuận lợi. Hằng tháng, Tùng đã có khoản thu nhập ổn định khoảng 3 triệu đồng, đủ để chi tiêu, sinh hoạt. Đối với nhiều người số tiền đó có thể không nhiều, nhưng với Tùng đó là động lực, niềm vui khi làm ra được những đồng tiền chân chính từ công sức, đam mê của mình. Nhờ sự chăm chỉ, cần cù làm việc, điểm giao dịch của Tùng đã nhận được nhiều giấy khen, trở thành một trong những điểm bán hàng xuất sắc của Viettel Đắk Lắk năm 2019, 2020.

Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, Tùng dự định sẽ dành dụm tiền để mở phòng giao dịch Viettel tại nhà và tiếp tục công việc in ấn. Nhưng trước tiên Tùng hy vọng sẽ mua được chiếc xe lăn điện trong thời gian sớm nhất để có thể tự di chuyển, sinh hoạt, đỡ vất vả cho bố mẹ. Tùng luôn tâm niệm “mình sinh ra không được lựa chọn hình hài, thân thể, nhưng sống ra sao, tương lai như thế nào là do mình chọn”. Chính từ suy nghĩ đó đã tạo nên “chàng trai thép” Nguyễn Thuận Tùng kiên cường, dũng cảm vượt lên thử thách của số phận để sống hữu ích, lạc quan như ngày hôm nay.

Phương Thảo


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.