Multimedia Đọc Báo in

Chuyện người cõng thương binh năm ấy…

14:25, 26/07/2021

Trong những năm đánh Mỹ, tôi là chiến sĩ Tiểu đoàn 401 Đặc công Đắk Lắk. Những ngày tháng chiến đấu dưới mưa bom bão đạn, biết bao đồng đội, đồng chí của tôi đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tôi và những người may mắn sống sót sau cuộc chiến luôn ghi nhớ sự hy sinh của đồng đội và sự thương yêu, che chở, đùm bọc, nuôi dưỡng của nhân dân…

Trong kháng chiến chống Mỹ, cao điểm Cư M’gar Quảng Nhiêu H5 (xã Quảng Phú) cách thị xã Buôn Ma Thuột chừng 18 km về phía bắc, có một đại đội địch và một trung đội pháo cối chốt giữ, là cứ điểm tiền tiêu án ngữ bảo vệ tuyến ngoài cánh bắc thị xã nhằm kiểm soát, khống chế dân cư ấp chiến lược vùng lân cận.

Tiểu đoàn 401 Đặc công Đắk Lắk sử dụng lực lượng tinh binh, tổ chức hai mũi mật tập đánh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực, phá hủy phương tiện chiến tranh của địch, hỗ trợ lực lượng vũ trang cơ sở phối hợp cùng nhân dân nổi dậy diệt ác ôn, phá ách kìm kẹp. Đêm 10-5-1970, các chiến sĩ hóa trang cẩn thận, mang theo trang bị và vũ khí lần mò men theo sườn núi, khắc phục vật cản, gặp chỗ vách đứng công kênh đặt chân lên vai nhau nhoài người hành tiến, bí mật áp sát mục tiêu bảo đảm đúng giờ hợp đồng nổ súng.

Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.   Ảnh: Hoàng Gia
Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Hoàng Gia

Tổ thọc sâu do Nông Văn Cao dẫn đầu bám theo tên địch vào thay gác phát hiện cột ăng ten điện đài sở chỉ huy của chúng. Cả tổ đồng loạt đánh thủ pháo, bắn B40 vào hầm ngầm, lô cốt làm phát lệnh tấn công. Lập tức các tổ tới tấp đánh vào những mục tiêu, tiếng nổ ầm ầm như sấm rền chớp giật nhấp nhoáng loằng nhoằng, ngọn núi rực lửa y như pháo hoa sáng lóa một vùng. Tại ấp Quảng Nhiêu nhân dân hò la, nổi mõ, khua xoong chậu rầm rầm, với khí thế hừng hực, sục sôi nổi dậy diệt ác ôn, truy lùng những tên tề ngụy đầu sỏ, xóm làng náo động lở đất long trời áp đảo quân thù.

Sau nửa giờ tung hoành trận địa, đánh tan tác quân địch, bộ đội ta luồn theo sườn núi lui quân, khẩn trương đưa thương binh ra ngoài trận địa. Siêu, Thái, Niu hy sinh anh dũng. Trời sáng. Trên chốt những tên địch sống sót bắn liên thanh tằng… tằng… từng loạt ngắn. Trong các ấp dân vệ a dua, thi thoảng nổ súng ga răng tắc bọp… để trấn tĩnh thần hồn làm bộ thị uy. Trực thăng phành phạch, hạ xuống chốt Cư M’gar giải quyết hậu quả, chở những tên tử trận và bị thương về thị xã Buôn Ma Thuột. Máy bay L19 quần thảo dõi tìm dấu tích quân ta. Lúc này đồng bào Quảng Nhiêu đi ra đồng làm nương rẫy, vào rừng lấy củi.

Anh Nguyễn Xuân Uẩn, Đại đội trưởng 307, chỉ huy mũi thọc sâu bị thương, bước chân cà nhắc, ráng sức lần đi, còn cách bìa rừng khá xa thì phát hiện một bác nông dân cầm cây rựa phăm phăm tới. Chưa hiểu sự thể ra sao, anh cảnh giác chĩa súng sẵn sàng thì bác nông dân áp sát ghé vai xốc người chiến sĩ lên cõng băng băng vào cánh rừng xanh. Qua nơi nguy hiểm, bác mới yên tâm để Uẩn xuống rồi quay về với công việc của mình. Trong tình huống căng thẳng gấp gáp, anh không kịp hỏi tên bác nông dân gan dạ, bất chấp có thể hy sinh tính mạng đã cõng mình bị thương trong trận này.

Sau ngày thống nhất đất nước, Nguyễn Xuân Uẩn về lại Quảng Nhiêu cố dò tìm bác nông dân ngày ấy song không có kết quả. Anh cứ ân hận mãi vì chưa gặp mặt được ân nhân của mình. Sau đó, do yêu cầu nhiệm vụ cấp trên điều động anh đi học rồi bổ sung về đơn vị của Bộ. Từ đó anh xa mảnh đất Đắk Lắk thân yêu, nơi gắn bó nghĩa tình quân dân và đồng đội thời đánh Mỹ.

Sau này, anh Nguyễn Xuân Mão ở Tiểu đoàn 401 nhân dịp về Quảng Phú đã tìm được ông Thìn là người đã cõng chiến sĩ Nguyễn Xuân Uẩn bị thương trong trận đánh Cư M’gar năm 1970. Ông Thìn nay đã qua tuổi thất thập rồi... Chúng tôi – những chiến binh Tiểu đoàn 401 mãi biết ơn ông Thìn đã tận tâm cứu giúp người đồng đội của chúng tôi trong trận đánh ở Cư M’gar ngày ấy…

Đoàn Viết Doãn


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.