Để thành công khi xuất khẩu lao động
Nhiều lao động ở Đắk Lắk và gia đình của họ đã thay đổi cuộc sống nhờ xuất khẩu lao động (XKLĐ). Vì vậy, hiện có nhiều người chọn XKLĐ để có cơ hội thoát nghèo, tuy nhiên không phải ai cũng thành công.
Sau đây là trao đổi giữa phóng viên Báo Đắk Lắk với ông LÊ HẢI LÝ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (thuộc Sở LĐ-TB&XH) xung quanh nội dung này.
Ông Lê Hải Lý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk. |
- Bên cạnh nhiều lao động thành công, thì vẫn còn không ít người ra nước ngoài làm việc có thời hạn không mấy suôn sẻ. Ông có thể chia sẻ về điều này?
Hiện có nhiều kênh cho người lao động (NLĐ) lựa chọn để ra nước ngoài làm việc có thời hạn. Trong đó có người đã chọn kênh không chính thống, đó là các doanh nghiêp (DN), đơn vị không có chức năng đưa lao động ra nước ngoài làm việc, hoặc DN được cấp phép nhưng không trực tiếp đưa NLĐ đi làm việc mà phải chuyển nguồn cho DN khác đưa đi, dẫn đến chi phí XKLĐ tăng. Chi phí XKLĐ Nhật Bản hiện khoảng 120 - 125 triệu đồng, nhưng nếu không đi theo kênh chính thống sẽ lên đến 200 triệu đồng hoặc có thể cao hơn; chưa kể nếu không may gặp rủi ro trong quá trình làm việc ở nước ngoài, NLĐ sẽ không biết bấu víu vào đâu.
Đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài không suôn sẻ trước hết là do NLĐ nôn nóng muốn ra nước ngoài làm việc sớm để có cơ hội thoát nghèo và có việc làm ổn định sau khi về nước. Đánh trúng tâm lý này, một số đối tượng đã mời chào, đăng tải quảng cáo tuyển dụng, đơn hàng đi Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc với chi phí rẻ, tiêu chuẩn tuyển chọn thấp, quy trình phỏng vấn, học ngoại ngữ rất đơn giản, thu nhập cao..., khiến không ít người thiếu tỉnh táo bị sập bẫy.
Thứ hai, chính quyền một số địa phương chưa chú trọng tuyên truyền về XKLĐ, nên người dân không nắm đầy đủ thông tin về XKLĐ, chỉ nghe qua người thân, người quen và môi giới nên nhiều thông tin về chính sách XKLĐ của Nhà nước bị hiểu sai lệch, không đầy đủ… dẫn đến đặt niềm tin sai chỗ vào DN, đơn vị môi giới chuyên "hứa hão".
XKLĐ là kênh tạo việc làm ổn định, thu nhập cao; ít nhất ở thị trường Đài Loan (Trung Quốc), mỗi tháng lao động có thu nhập từ 17 - 22 triệu đồng, còn Nhật Bản là từ 28 - 36 triệu đồng (tùy đơn hàng và tỉnh, thành phố mà NLĐ đến làm việc). Do đó, nếu chính quyền địa phương quan tâm hơn đến công tác XKLĐ thì người dân thuận lợi trong việc tiếp cận các chính sách ưu đãi, như thủ tục hành chính, vốn vay…, sẽ hạn chế tình trạng XKLĐ không theo kênh chính thống.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thăm gia đình chị Nguyễn Thị Thìn (giữa) ở thôn 4, xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) có ba con trai đi XKLĐ ở Nhật Bản. |
- Thưa ông, thường thì người có nhu cầu XKLĐ tìm hiểu thông tin qua người thân, người quen, song cũng không ít lao động chọn Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài?
Mỗi năm, Trung tâm tư vấn cho khoảng 400 người có nhu cầu XKLĐ, với trên 50 lao động xuất cảnh sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Ngoài ra, hằng năm Trung tâm còn đào tạo tiếng Hàn Quốc cho hơn 40 lao động để tham gia thi tuyển đi làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình EPS.
Với vai trò là “cầu nối” giữa lao động và doanh nghiệp XKLĐ, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã nỗ lực “tự làm mới” mình để xứng đáng là kênh giới thiệu XKLĐ chính thống. Theo đó, ngoài cung cấp thông tin thị trường lao động, đơn hàng XKLĐ, Trung tâm còn giới thiệu những đơn vị XKLĐ được cấp phép và trực tiếp đưa lao động ra nước ngoài làm việc.
Hằng năm có khoảng hơn 40 doanh nghiệp XKLĐ đặt vấn đề hợp tác với Trung tâm, nhưng qua tìm hiểu kỹ về tư cách pháp nhân, địa điểm trụ sở, cơ sở đào tạo, những thị trường XKLĐ đã đưa lao động sang làm việc, số lượng lao động đã xuất khẩu qua các năm…, Trung tâm chỉ liên kết, hợp tác với khoảng 6 - 7 DN. Trước khi ký kết chương trình hợp tác, liên kết với doanh nghiệp XKLĐ, Trung tâm còn tìm hiểu kỹ về đơn hàng XKLĐ, về chế độ, quyền lợi... của DN tuyển dụng lao động ở nước ngoài nhằm giúp lao động giảm thiểu rủi ro khi ra nước ngoài làm việc, đặc biệt là yêu cầu DN phải cam kết thu phí đúng quy trình mà DN đã làm việc với Trung tâm và theo đúng quy định của Nhà nước.
- Từ thực tế hoạt động XKLĐ, để hạn chế rủi ro khi có nhu cầu XKLĐ, theo ông NLĐ nên lưu ý gì?
Từ những nguyên nhân chủ quan, khách quan trên, theo tôi dù lựa chọn XKLĐ theo kênh nào, NLĐ nhất định phải tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường lao động mình lựa chọn; về DN mà mình ký hợp đồng có đủ tư cách pháp nhân XKLĐ hay phải thông qua trung gian. Một lưu ý đặc biệt quan trọng, NLĐ phải nghiên cứu kỹ các nội dung hợp đồng lao động ký với DN về chi phí, thời hạn, công việc cụ thể và một số quyền lợi khác khi sang nước ngoài làm việc. Khi đóng phí phải có hóa đơn hoặc phiếu thu của DN.
Hiện mức lương cơ bản của các thị trường XKLĐ phổ biến như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đều được Chính phủ công khai, NLĐ tự so sánh để phát hiện xem mức lương DN đăng tuyển có bị "thổi phồng". Về chi phí XKLĐ, các công ty đều phải bảo đảm theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH. Vì thế, NLĐ có thể nhận biết dấu hiệu lừa đảo nếu chi phí được quảng cáo là thấp, có nhiều hỗ trợ hấp dẫn.
NLĐ có nhu cầu XKLĐ phải xác định tâm thế ra nước ngoài làm việc là vất vả, nhiều áp lực, bởi từng có lao động khi sang nước khác làm việc đã bỏ cuộc, nhưng nếu chịu khó trụ vững chắc chắn sẽ có thu nhập cao, có cơ sở để chuẩn bị cho cuộc sống ổn định và thay đổi trong tương lai.
- Xin cảm ơn ông
Hoàng Trần (thực hiện)