Multimedia Đọc Báo in

Nghề chẻ đá: Những hiểm nguy rình rập

19:01, 22/05/2010

Dưới cái nắng như thiêu đốt bên những phiến đá khổng lồ, những bóng người hì hục đục, đẽo các phiến đá to thành những viên đá vuông vắn bằng đôi bàn tay nham nhở vết xước, với tiềm ẩn nhiều hiểm nguy đến tính mạng.

Mưu sinh... nhờ đá
Trên con đường từ Vườn Quốc gia Cư Yang Sin (xã Yang Reh, huyện Krông Bông) đến xã Yang Tao (huyện Lak), dọc hai bên Quốc lộ 27, từ những cánh đồng rộng đến những khu dân cư chật hẹp, đâu đâu cũng thấy những bãi đá. Dễ có tới hàng trăm bãi đá lớn nhỏ khác nhau. Nghề chẻ đá phổ biến ở vùng đất này khoảng từ 3-4 năm trở lại đây. Năm 2003 những người dân từ Bình Sơn (Quảng Ngãi), tình cờ ghé qua vùng đất này tìm kế sinh nhai bỗng phát hiện nơi đây có rất nhiều phiến đá hoa cương. Với kinh nghiệm bao nhiêu năm hành nghề chẻ đá tại quê nhà, họ đã dìu dắt nhau đến đây sinh cơ lập nghiệp. Chẳng mấy chốc họ đã biến nơi đây thành một vùng tiềm năng đẽo, đục và chẻ đá để mưu sinh. Những căn lều tạm được dựng lên vừa là nơi sinh hoạt, ăn, ngủ, vừa là nơi để “sản phẩm” sau một ngày làm việc của hàng chục con người nơi đây.

Hai anh Đào Ngọc Danh và Trần Văn Nhung đang cố sức để bẩy hòn đá to.
Hai anh Đào Ngọc Danh và Trần Văn Nhung đang cố sức để bẩy hòn đá to.

Hơn 20 người hành nghề chẻ đá dọc tuyến Quốc lộ 27 này đều trú tại các xã Yang Reh (huyện Krông Bông),Yang Tao (huyện Lak) và Hòa Hiệp, Ea Ktur (Cư Kuin) trong đó đa phần là dân di cư từ Bình Sơn (Quảng Ngãi). Họ phần lớn là những người, không nghề nghiệp, không có đất làm rẫy. Khi được hỏi về công việc hằng ngày của mình thì anh Nguyễn Văn Hai (ở xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) cho biết: Trước lúc muốn hành nghề chẻ đá thì mỗi người phải tự sắm cho mình một bộ đồ nghề gồm 30 cái đục, 30 cái nêm, 2 cái búa (1 búa lớn, 1 búa nhỏ) với giá hơn 2 triệu đồng, những ngày đầu chẻ đá thuê cho các chủ đá thì mỗi người chỉ được 10.000 đồng tiền ăn trưa để học nghề mà thôi, sau 3-4 tháng thành thạo nghề thì chủ sẽ trả lương theo sản phẩm mình làm ra. Mỗi viên đá được chẻ vuông vắn, nhỏ gọn sẽ có giá từ 2.500 – 2.700 đồng. Anh Y Nhung Triếk (người đứng đầu đội chẻ đá buôn Dak Tây, xã Yang Tao, huyện Lak) cho biết: một người có thể chẻ được từ 2-3 m3 đá/ngày (khoảng 100 viên), với giá là 140.000 đồng/m3, một người có thể thu về từ 300.000-400.000đồng/ngày.

Anh Nguyễn Hữu Hoàng ngày ngày vẫn ngồi chênh vênh trên những tảng đá để đục, đẽo.
Anh Nguyễn Hữu Hoàng ngày ngày vẫn ngồi chênh vênh trên những tảng đá để đục, đẽo.

Hiểm nguy luôn rình rập
Đa số những người dân nơi đây chủ yếu chẻ đá mà không có một dụng cụ bảo hộ, thiếu cả những dụng cụ lao động thông thường như găng tay, giày lao động, khẩu trang, kính mắt… Anh Đào Ngọc Danh (hơn 50 tuổi đã có thâm niên 30 năm làm nghề chẻ đá) tâm sự: “Hành nghề đã hơn 30 năm nay nên quen rồi, mà cũng không còn cảm giác mệt mỏi nữa, thậm chí nhiều lúc không kịp ăn sáng. Những vết xước tay, chân hay chảy máu do đục phải tay hoặc do đá lăn là chuyện xảy ra như cơm bữa”. Anh Danh cho biết thêm: Vẫn  biết nguy hiểm, nhưng không làm nghề này thì chẳng biết làm nghề gì khác. Gia đình anh chuyển vào Dak Lak được hơn 5 năm nay thì cũng chừng ấy thời gian anh gắn bó với những phiến đá nơi đây. Anh Nguyễn Hữu Hoàng (thôn 2, Yang Reh, Krông Bông) vừa lau những giọt mồ hôi lăn dài trên má vừa tâm sự: “Làm nghề này rất hao tổn sức khỏe, lại nguy hiểm nữa, lâu lâu tôi lại đi truyền đạm nhưng vẫn không lấy lại sức”. Và rồi anh đưa bàn chân còn nguyên vết khâu 5 mũi vẫn rớm máu cho chúng tôi xem và kể: Cách đây 2-3 hôm, trong lúc anh đang đục, đẽo thì từ trên cao một phiến đá bất ngờ rơi xuống trúng ngay bàn chân anh, may mắn lúc đó các anh khác đã đưa anh vào trạm xá cấp cứu kịp thời. Chỉ nghỉ được vài hôm lại phải tiếp tục công việc vì hợp đồng với các cơ sở. Dù biết hiểm nguy luôn rình rập, tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng anh vẫn phải theo nghề chẻ đá vì cả gia đình đều phải trông chờ vào thu nhập hằng ngày.
Trao đổi với chúng tôi, anh Y Khoa Teh, Phó chủ tịch UBND xã Yang Tao, huyện Lak cho biết: Chẻ đá là nghề tự phát trong dân, những đồi đá thu hút lao động tự do từ nhiều vùng quê khác nhau tới hành nghề, có một số thanh niên đến đây làm theo mùa vụ rồi họ lại đi. Một thực trạng nữa là nhiều lao động tự do đến nên rất khó để quản lý về an toàn lao động. Vì vậy, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động vẫn luôn rình rập những người lao động tự do nơi đây, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc