Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ
(Tiếp theo)
18. Hỏi: Luật gia cho biết người dưới 18 tuổi điều khiển xe ô tô tham gia giao thông bị xử phạt thế nào? Mức phạt này có tăng so với Nghị định cũ?
- Tại khoản 1, 7 Điều 24 Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe ô tô (mức phạt này không thay đổi so với Nghị định cũ); tăng mức phạt tiền đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe ô tô, cụ thể là phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng (mức phạt cũ từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng).
19. Hỏi: Vậy, mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô không mang theo Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có gì khác so với Nghị định cũ?
- Theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 24 Nghị định 34/2010/NĐ-CP đã tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe ô tô có một trong các hành vi vi phạm nêu trên, đó là phạt tiền từ 120.000 đồng đến 200.000 đồng (mức phạt cũ từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng).
20. Hỏi: Theo tôi được biết Nghị định cũ không xử phạt đối với hành vi điều khiển xe ô tô không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực. Vậy, Luật gia cho biết Nghị định mới có xử phạt đối với hành vi này không?
- Ngoài việc tăng mức phạt tiền đối với hành vi điều khiển xe ô tô không có Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực, tại khoản 6 Điều 24 Nghị định 34/2010/NĐ-CP đã bổ sung hành vi điều khiển xe ô tô không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực; mức phạt tiền áp dụng đối với người điều khiển xe ô tô có một trong các hành vi trên là từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (mức phạt cũ từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng).
21. Hỏi: Luật gia cho biết trường hợp điều khiển xe ô tô không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa; có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng bị xử phạt thế nào? Quy định này có gì khác so với Nghị định cũ?
- So với Nghị định cũ, tại điểm b khoản 8 Điều 24 Nghị định 34/2010/NĐ-CP giữ nguyên mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và tịch thu Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa đối với hành vi điều khiển xe ô tô không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa.
- Nghị định cũ chỉ phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe ô tô có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn; tuy nhiên, tại khoản 5, điểm a khoản 8 Điều 24 Nghị định 34/2010/NĐ-CP đã tách hành vi trên thành 2 hành vi riêng biệt và điều chỉnh mức phạt cho phù hợp, theo đó: phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 6 tháng; trường hợp có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng từ 6 tháng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
22. Hỏi: Luật gia cho biết người điều khiển xe ô tô chở khách, ô tô chở người có hành vi không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy; không hướng dẫn hành khách ngồi đúng vị trí quy định trong xe bị xử phạt thế nào? Mức phạt này có gì khác so với Nghị định cũ?
- So với Nghị định cũ, tại điểm a, c khoản 1 Điều 26 Nghị định 34/2010/NĐ-CP tăng mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô chở khách, ô tô chở người có một trong các hành vi vi phạm nêu trên, cụ thể là phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (mức phạt cũ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng đối với hành vi không hướng dẫn khách ngồi đúng vị trí quy định trong xe; phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy).
Ý kiến bạn đọc