Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Để thực hiện nghiêm quyết định xử phạt hành chính theo Nghị định 34

12:22, 17/10/2010
Hiện nay, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có hàng chục trường hợp vi phạm bị xử phạt theo Nghị định 34 của Chính phủ trong lĩnh vực giao thông đường bộ song vẫn cố tình chây ì, không thi hành quyết định. Trong khi đó công tác phối hợp, xử lý người vi phạm giữa các cơ quan chức năng vẫn chưa được đồng bộ, chặt chẽ.
Ông Lê Ngọc Thanh, Đội trưởng Đội Quản lý đô thị TP. Buôn Ma Thuột cho biết: từ ngày 2-6 đến 19-7-2010, Đội đã tổ chức kiểm tra và lập biên bản 9 trường hợp thường xuyên chiếm dụng đường phố để kinh doanh, buôn bán, treo biển hiệu trái quy định, gây cản trợ giao thông và mất mỹ quan đô thị. Đồng thời đề nghị UBND TP. Buôn Ma Thuột ban hành các Quyết định 1814, 1816, 2141, 2144, 2145, 2197, 2200, 2201, 2296 do ông Bùi Thanh Lam, Phó Chủ tịch UBND thành phố ký về xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 34 của Chính phủ tại điểm a, khoản 5, điều 15, với mức xử phạt từ 20 đến 30 triệu đồng. Đội quản lý đô thị TP. Buôn Ma Thuột cũng đã tống đạt các quyết định xử phạt trên đến những hộ vi phạm, yêu cầu thi hành theo quy định của pháp luật. Và dù các quyết định đã được tống đạt đến những trường hợp vi phạm tới lần thứ 3, nhưng đã hơn hai tháng trôi qua tất cả các trường hợp vi phạm đều cố tình chây ì, dây dưa không thi hành. Trước tình hình trên, Đội đã có văn bản báo cáo UBND thành phố, xin ý kiến chỉ đạo để có biện pháp cưỡng chế đối với các hộ này, song UBND thành phố vẫn chưa có công văn chỉ đạo, giải quyết dứt điểm. Chẳng những quyết định của UBND thành phố bị phớt lờ mà còn có trường hợp ngay cả khi đã có ý kiến chỉ đạo, phê bình của UBND tỉnh do đồng chí Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch UBND tỉnh ký cũng không được thi hành như trường hợp của Công ty TNHH Phú Xuân, mà người đại diện là ông Nguyễn Văn Tấn, quản lý giám sát thi công công trình xây dựng Bảo tàng tỉnh Dak Lak. Cụ thể, công ty này đã 2 lần bị lập biên bản vì kéo đất từ công trình ra đường phố, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và an toàn giao thông, với mức xử phạt cho cả 2 lần là 5 triệu đồng. Trước đó, nhận được Công văn số 184/CV-Cty ngày 12-7-2010 của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý Đô thị và Môi trường Dak Lak phản ánh tình trạng đơn vị thi công trên nhiều lần kéo đất ra đường phố, UBND tỉnh đã có Công văn số 3728 phê bình Giám đốc Công ty TNHH Phú Xuân là nhà thầu thi công công trình đã không thực hiện nghiêm túc việc bảo đảm vệ sinh môi trường đô thị khi vận chuyển vật liệu thi công công trình, gây phản ứng trong nhân dân; đồng thời giao UBND TP. Buôn Ma Thuột xử phạt vi phạm hành chính. Thế nhưng kể từ khi có quyết định xử phạt tống đạt đến nay, công ty này chưa thi hành.
Theo Nghị định 34 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì đối với những hành vi chiếm dụng đường phố để kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa; kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng, sản xuất, gia công hàng hóa; làm nơi trông giữ xe, sửa chữa hoặc rửa xe; đặt treo biển hiệu quảng cáo, làm mái che; thực hiện các hoạt động dịch vụ khác gây cản trở giao thông… thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 20 đến 30 triệu đồng. Đây được xem là biện pháp chế tài mạnh mẽ, góp phần lập lại trật tự, cảnh quan đô thị trong thành phố. Thế nhưng kể từ ngày Nghị định 34 chính thức có hiệu lực thi hành (từ ngày 2-5) đến nay thì đã có gần 10 trường hợp vi phạm bị xử phạt nhưng không thi hành. Trong khi đó, ở giới hạn chức năng, nhiệm vụ của mình, Đội Cảnh quan đô thị thành phố không được phép tiến hành cưỡng chế, bắt buộc thi hành đối với những trường hợp vi phạm. Vì vậy, để công tác xử lý các trường hợp vi phạm theo Nghị định 34 được thực hiện nghiêm túc thì UBND TP. Buôn Ma Thuột cần chỉ đạo sát sao, đồng thời các cơ quan chức năng có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, tránh tình trạng “đánh trống, bỏ dùi” như hiện nay.
Đăng Triều

Ý kiến bạn đọc