Sẽ xử lý nghiêm vụ phá rừng trái phép ở Krông Năng
Từ ngày 12 đến ngày 15 - 11, hơn 48ha rừng sản xuất tại tiểu khu 340a và 340b do Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng quản lý đã bị nhiều đối tượng chặt phá, bất chấp nỗ lực ngăn chặn của đơn vị chủ rừng và cơ quan chức năng. Sau sự việc trên, UBND huyện Krông Năng cho biết sẽ xem xét giải quyết đất sản xuất cho các hộ dân thực sự thiếu đất, nhưng sẽ chỉ đạo xử lý thật nghiêm minh các đối tượng cầm đầu, xúi giục người dân đi phá rừng.
Nhiều người dan tràn vào phá rừng tại tiểu khu 340a |
Thiệt hại hàng chục héc-ta rừng
Ông Nguyễn Văn Lương, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng cho biết: “Sáng ngày 12 - 11, hơn 1.000 người dân tràn vào tiểu khu 340a thuộc địa giới hành chính các xã Ea Dah và Ea Puk. Sau khi dựng hàng trăm lều lán, họ chia thành nhiều tốp phá rừng với mục đích lấy đất sản xuất. Mặc dù Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, chính quyền các xã và các cơ quan chức năng của huyện phát hiện từ rất sớm, nhưng không thể ngăn chặn được vì số người tham gia phá rừng quá đông. Trong khi số người này chưa chịu ra về thì đến sáng 13-11, lại có thêm khoảng 70 người kéo vào rừng. Sau những nỗ lực giải thích, vận động của các cơ quan chức năng, hơn 1.000 người mới chịu rời khỏi hiện trường vào ngày 15-11”. Theo thống kê ban đầu, hơn 48ha rừng tự nhiên trạng thái IIIA1 tại các khoảnh 1, 3 thuộc tiểu khu 340a và khoảnh 3 tiểu khu 340b đã bị chặt phá. Trước đó, từ tháng 9 đến tháng 10-2010, tại khu vực này cũng đã xảy ra 3 vụ phá rừng với quy mô tương tự, gây thiệt hại trên 22,6ha rừng.
Theo kết quả xác minh bước đầu của cơ quan chức năng huyện Krông Năng, những người tham gia vụ phá rừng này ở các xã Ea Hồ, Ea Tam, thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng) và cả xã Ea Rông (thị xã Buôn Hồ). Trong đó, xã Ea Hồ và thị trấn Krông Năng có số người tham gia nhiều nhất. Thậm chí, một số người nguyên là phó chủ tịch UBND xã, nguyên cán bộ phòng giáo dục huyện, có người đang làm thôn trưởng cũng tham gia phá rừng.
Hàng chục xe công nông chở người vào tiểu khu 340a phá rừng từ 12 đến 15-11. |
Sẽ xử lý nghiêm minh
Theo UBND huyện Krông Năng, khu vực rừng bị phá nằm trong diện tích được UBND tỉnh cho phép Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Lộc Phát (địa chỉ tại xã Phú Lộc, Krông Năng) lập dự án trồng cao su và khoanh nuôi bảo vệ rừng. Đây là cũng là diện tích nằm trong quy hoạch phát triển cây cao su đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, quá trình thực hiện dự án cũng không có sai phạm gì nghiêm trọng. Nhưng trước thực trạng tranh chấp phức tạp như trên, UBND huyện đã chủ động đề nghị và UBND tỉnh đã công bố quyết định chấm dứt chủ trương cho thực hiện dự án này, tiếp tục giao rừng cho Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng quản lý, bảo vệ với chức năng phòng hộ và phục vụ du lịch sinh thái. Đồng thời, UBND huyện đã ra quyết định thành lập một đoàn công tác gồm 21 thành viên, với nhiệm vụ khảo sát các hộ dân thực sự thiếu đất sản xuất ở xã Ea Hồ và thị trấn Krông Năng. Theo kết quả tự kê khai của người dân thì có 834 hộ thiếu đất sản xuất (tức có dưới 0,5ha/hộ), hiện nay đoàn công tác của huyện đang xác minh thực tế. Sau khi có kết quả xác minh, UBND huyện sẽ tìm quỹ đất rừng phù hợp (không phải khu vực rừng vừa bị phá), đề nghị UBND tỉnh chuyển mục đích sử dụng để bố trí cho các hộ dân thiếu đất sản xuất.
Tuy nhiên, việc phá rừng là vi phạm pháp luật, nhận định là có tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng. Do vậy UBND huyện Krông Năng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải nhanh chóng điều tra, xác định các đối tượng cầm đầu, xúi giục người dân đi phá rừng để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Ý kiến bạn đọc