Multimedia Đọc Báo in

Luật Dân quân tự vệ - thể chế hóa quan điểm của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân

19:09, 18/12/2010

Năm 1996, Pháp lệnh về dân quân tự vệ (DQTV) được ban hành (sau đó được thay thế bằng Pháp lệnh DQTV số 19/2004/PL-UBTVQH 11 năm 2004). Pháp lệnh DQTV đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng, huấn luyện hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng DQTV. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Pháp lệnh DQTV còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhất là xây dựng lực lượng Tự vệ trong các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước, DQTV biển; chế độ chính sách đối với DQTV trong huấn luyện và hoạt động chưa phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa như hiện nay.

Vì  lẽ đó, Luật Dân quân tự vệ (sau đây gọi tắt là Luật) được Quốc hội khóa 12 thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23-11-2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010 đã kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên. Với việc ban hành Luật đã từng bước thể chế hóa quan điểm của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến Pháp 1992 về xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới.

Theo quy định của Luật, Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân; là lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh. Lực lượng này được tổ chức ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) gọi là dân quân; được tổ chức ở cơ quan của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ.

Luật Dân quân tự vệ quy định nhiều nội dung quan trọng như: Nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; tổ chức, nhiệm vụ, hoạt động của dân quân tự vệ; chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ và trách nhiệm quản lý nhà nước về dân quân tự vệ.

Trong quản lý Nhà nước về DQTV, Luật xác định rõ  trách nhiệm của UBND các cấp và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cụ thể là:

*UBND các cấp có trách nhiệm trình HĐND cùng cấp phê chuẩn, quyết định quy hoạch, kế hoạch, đề án tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ và dự toán thu, chi ngân sách bảo đảm cho dân quân tự vệ; chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về dân quân tự vệ ở địa phương; ban hành văn bản chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ theo thẩm quyền; chỉ đạo việc tổ chức, đào tạo, huấn luyện, hoạt động của dân quân tự vệ; thi hành các biện pháp huy động, sử dụng dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ; chỉ đạo việc quản lý và kiểm tra vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ của dân quân tự vệ; bảo đảm hậu cần, tài chính, thực hiện chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện quyết định mở rộng lực lượng dân quân tự vệ của cấp có thẩm quyền; phối hợp với thanh tra quốc phòng thanh tra việc thực hiện pháp luật về dân quân tự vệ; kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về dân quân tự vệ; tổ chức sơ kết, tổng kết và thực hiện việc thi đua, khen thưởng về công tác dân quân tự vệ.

*Đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, có trách nhiệm:Tổ chức thực hiện sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về dân quân tự vệ; chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch tổ chức, huấn luyện, hoạt động của đơn vị tự vệ nòng cốt thuộc quyền theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quân sự địa phương; bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức, huấn luyện, hoạt động của tự vệ nòng cốt thuộc cơ quan, tổ chức; tổ chức thực hiện quyết định mở rộng lực lượng dân quân tự vệ của cấp có thẩm quyền; phối hợp với thanh tra quốc phòng thanh tra việc thực hiện pháp luật về dân quân tự vệ; kiểm tra, sơ kết, tổng kết và thực hiện việc thi đua, khen thưởng về công tác dân quân tự vệ thuộc cơ quan, tổ chức; phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc tổ chức, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ.

Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, trong đó có  lực lượng DQTV là một nội dung quan trọng trong đường lối quân sự của Đảng. Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Luật DQTV và các văn bản hướng dẫn thi hành (đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định, Bộ quốc phòng và các Bộ liên quan đã ban hành hơn 20 Thông tư, Quyết định hướng dẫn thực hiện) sẽ góp phần tăng cường hiệu lực quản lý của chính quyền, bảo đảm an ninh chính trị, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở.

 

Trương Thị Hiền

 


Ý kiến bạn đọc