Multimedia Đọc Báo in

Khi người lớn chưa quan tâm đến trẻ em!

09:24, 22/02/2011

Mặc dù Nghị định 34 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã quy định mức phạt từ 100.000 - 200.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện chở trẻ em trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm (MBH) đã có hiệu lực thi hành từ ngày 20-5-2010, song hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra tình trạng phổ biến là phụ huynh (PH) học sinh đưa con em đến trường vẫn không tuân thủ nghiêm.

Thị sát thực tế tại một số trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, chúng tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp PH đưa con đi học nhưng không trang bị MBH cho con. Tại Trường Tiểu học Ngô Quyền, một trong những trường thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền, nhắc nhở PH phải đội MBH cho con nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình tham gia giao thông thì tỷ lệ này vẫn chiếm khoảng 5%. Vào buổi sáng đến lớp hoặc chiều tan trường có hàng chục PH chở 2 đến 3 em đầu trần vô tư lưu thông trên đường. Cũng có một số PH mang theo MBH nhưng chỉ treo như để “làm phép”, dùng đối phó khi gặp lực lượng cảnh sát giao thông. Tương tự tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, THCS Phan Chu Trinh… tỷ lệ trẻ em đội MBH cũng chỉ chiếm khoảng 80%. Tranh thủ trong lúc một PH đứng đợi đón con, chúng tôi bắt chuyện tìm hiểu nguyên nhân vì sao không có MBH cho con, anh nói: “Nhà ở gần trường, vả lại cháu chỉ mới học lớp 1, đội làm gì cho phiền phức”. Còn một PH khác khi được hỏi có biết quy định sẽ bị phạt hành chính từ 100.000 – 200.000 đồng nếu chở trẻ em trên 6 tuổi không đội MBH thì trả lời: “Cũng có nghe nói, nhưng hồi giờ chưa thấy ai bị xử phạt cả”. Các trường nội thành đã thế, còn ở các trường ngoại thành thì con số học sinh được cha mẹ đưa đến trường nhưng không có MBH lại càng phổ biến. Tại các trường nằm dọc Quốc lộ 14 như trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Nguyễn Bá Ngọc, Lý Thường Kiệt… theo ghi nhận của chúng tôi chỉ có khoảng 5% PH trang bị MBH cho con. Chứng kiến những hình ảnh PH học sinh không đội MBH được cha mẹ chở lưu thông vào giờ cao điểm, chen chúc giữa hàng loạt phương tiện  xe tải, xe ô tô, với tốc độ chóng mặt chúng tôi không khỏi giật mình lo ngại bởi nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong khi đó, những PH không đội MBH thì viện đủ mọi lý do để biện hộ cho hành vi vi phạm của mình, như: “nhà gần”, “cháu còn nhỏ”… mà không ý thức đặt sự an toàn của con trẻ lên hàng đầu.

Nhiều phụ huynh khi đưa con đi học không đội MBH cho các em.
Nhiều phụ huynh khi đưa con đi học không đội MBH cho các em.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm có khoảng 1.200 người tử vong, 20.000 người bị thương do tai nạn giao thông. Trong đó, nạn nhân là trẻ em chiếm đến 35%. Trẻ em tử vong do TNGT chỉ đứng sau nguyên nhân bị đuối nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do nhận thức của một số PH vẫn còn hạn chế, không ít PH không quan tâm đúng mức, nói cách khác là xem nhẹ sự an toàn của con em mình khi chở trẻ mà không đội MHB, trong khi đó bản thân người lớn lại được trang bị rất cẩn thận. Cũng qua theo dõi, đánh giá của các cơ quan chức năng, sau khi Nghị quyết 32 của Chính phủ được áp dụng, tỷ lệ người điều khiển phương tiện môtô, xe máy đội MBH chiếm đến 98%, nhưng tỷ lệ này ở trẻ em chỉ khoảng 50% Tại các cuộc hội thảo về đề tài trật tự an toàn giao thông, nghịch lý này được đề cập rất nhiều và luôn là đề tài “nóng” của các đại biểu tham dự trong việc tìm kiếm giải pháp khắc phục. Chính vì vậy, Nghị định 34 thay thế Nghị định 146 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 20-5-2010 đã bổ sung thêm mức chế tài xử phạt từ 100.000 – 200.000 đồng đối với hành vi người điều khiển phương tiện môtô, xe gắn máy không đội MBH cho trẻ em trên 6 tuổi. Có thể nói đây là một trong những biện pháp được đưa ra kịp thời nhằm góp phần nâng cao ý thức của PH, bảo vệ tính mạng và phòng ngừa những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra cho trẻ em nếu chẳng may bị tai nạn. Ngay sau khi Nghị định có hiệu lực thi hành, Ban An toàn giao thông tỉnh đã phối hợp với cơ quan chức năng, Ban Giám hiệu các trường tiểu học, THCS, lực lượng cảnh sát giao thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý những trường hợp vi phạm, song đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể. Thiết nghĩ, để hạn chế thấp nhất TNGT có liên quan đến trẻ em, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các bậc PH. Chính PH phải ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ tính mạng con em mình, thay vì thực hiện theo kiểu đối phó với cơ quan chức năng thì cần gương mẫu tự giác chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông, trong đó có quy định đội MBH cho trẻ em trên 6 tuổi. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông cũng cần thường xuyên tổ chức những đợt ra quân xử lý vi phạm theo chuyên đề tại các trường tiểu học, THCS, từng bước khắc phục tình trạng vi phạm trên.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc