Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử Đại biểu HĐND
Ngày 21-1-2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1018 NQ/UBTVQH12 công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 vào ngày Chủ nhật, 22-5-2011.
Trước đó, ngày 24-11-2010, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội số 31/2001/QH10) và Luật bầu cử đại biểu HĐND số 13/2003/QH11 (sau đây gọi là Luật số 63/2010/QH12). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011.
Lần này Quốc hội đã áp dụng quy định dùng một Luật để sửa nhiều Luật, theo đó tại điều 1 đã Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội; điều 2 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu HĐND. Đối với Luật bầu cử đại biểu Quốc hội có 16 điều được sửa đổi bổ sung; Luật bầu cử đại biểu HĐND được sửa đổi bổ sung 13 điều.
Sau đây xin giới thiệu một số nội dung sửa đổi cơ bản đối với Luật bầu cử đại biểu Quốc hội.
*Về khu vực bỏ phiếu (điều 12)
Theo Luật số 63/2010/QH12, khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu HĐND các cấp; mỗi khu vực bỏ phiếu có từ ba trăm đến bốn nghìn cử tri (Luật năm 1997 quy định hai nghìn cử tri). Ở miền núi, hải đảo và những nơi dân cư không tập trung thì dù chưa có tới ba trăm cử tri cũng được thành lập một khu vực bỏ phiếu
-Về các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội (điều 13, 14)
Điểm mới là ở Trung ương, Hội đồng bầu cử được thành lập để thực hiện đồng thời công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; ở cấp tỉnh lập Ủy ban bầu cử chung cho cả bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
-Về Thẩm quyền thành lập các Tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương (điều 15,16,17)
Trước đây, theo luật năm 1997, việc quyết định thành lập Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND cấp tỉnh, nay được giao cho UBND cấp tỉnh quyết định; thành lập Tổ bầu cử theo quy định của luật năm 1997 thuộc thẩm quyền của Chủ tịch HĐND cấp xã thì nay được giao cho UBND cấp xã quyết định thành lập, chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử (Luật năm 1997 quy định 30 ngày). Luật cũng quy định rõ là trước khi quyết định thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương, UBND phải thống nhất với Thường trực HĐND và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp.
-Về thời hạn niêm yết danh sách cử tri và thời hạn khiếu nại đối với những sai sót (điều 25,26)
Để bảo đảm cho cử tri kiểm tra, thực hiện quyền khiếu nại và người có trách nhiệm có thời gian giải quyết khiếu nại, Luật sửa đổi đã quy định thời hạn dài hơn trong việc niêm yết danh sách cử tri, khiếu nại và giải quyết khiếu nại, cụ thể là: Chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử (Luật 1997 là 30 ngày), cơ quan lập danh sách cử tri niêm yết danh sách đó tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và tại những nơi công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để nhân dân kiểm tra (Luật năm 1997 chỉ quy định thông báo rộng rãi việc niêm yết là chưa đầy đủ). Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu thấy có sai sót thì trong thời hạn 25 ngày (Luật 1997 là 20 ngày) kể từ ngày niêm yết, mọi người có quyền khiếu nại bằng miệng hoặc bằng văn bản với cơ quan lập danh sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn 5 ngày (Luật 1997 là 3 ngày) kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.
Để bảo đảm thực hiện thống nhất và tránh những thiếu sót có thể xảy ra, lần này Luật quy định bổ sung thêm một nội dung tại điều 60 là: “Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.”.
(Còn nữa)
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc