Multimedia Đọc Báo in

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử Đại biểu HĐND (Tiếp theo và hết)

10:52, 27/02/2011

- Về khu vực bỏ phiếu (Điều 13): được sửa đổi tương tự như đối với Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đó là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu HĐND đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, việc thành lập khu vực bỏ phiếu được thực hiện theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội.

- Về các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu HĐND (Điều 15): ngoài Hội đồng bầu cử, Ban bầu cử và Tổ bầu cử (theo quy định của Luật bầu cử đại biểu HĐND năm 2003), Luật số 63/2010/QH12 đã bổ sung thêm 1 tổ chức phụ trách bầu cử là Ủy ban bầu cử - do UBND cùng cấp thành lập 95 ngày trước ngày bầu cử, với số lượng từ 21 - 31 người (ở cấp tỉnh), 11 - 15 người (ở cấp huyện), 9 - 11 người (ở cấp xã). Hội đồng bầu cử ở trung ương, Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh, Tổ bầu cử thực hiện chung công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND. Tổ bầu cử được tăng thêm số lượng thành viên, cụ thể là từ 11 - 21 người (Luật 2003 quy định 5 - 9 người), riêng đơn vị vũ trang nhân dân thành lập Tổ bầu cử ở mỗi khu vực bỏ phiếu của mình vẫn gồm 5 - 9 người.

- Về thẩm quyền thành lập và nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu HĐND (Điều 15a, 16, 17, 18): theo Luật 2003, UBND các cấp thành lập Hội đồng bầu cử, nay thẩm quyền này giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập chậm nhất 105 ngày trước ngày bầu cử (Luật 2003 là 90 ngày).

Hội đồng bầu cử chỉ thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn (Luật 2003 quy định 12 nhóm), những nhiệm vụ cũ còn lại nay được giao cho Ủy ban bầu cử. Tổ bầu cử được bổ sung 2 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn mới so với Luật 2003, đó là: Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo quy định của các tổ chức phụ trách bầu cử cấp trên; tổ chức thực hiện việc bầu cử lại, bầu cử thêm.

- Về trách nhiệm chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử (Điều 44): trong phạm vi cả nước sẽ do Hội đồng bầu cử thực hiện, tại các địa phương thì Ủy ban bầu cử đảm nhiệm (Luật 2003 giao trách nhiệm này cho Chính phủ và Hội đồng bầu cử ở địa phương).

- Về thời gian bầu cử (Điều 48): vẫn là từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, tuy nhiên thời điểm kết thúc cuộc bầu cử muộn hơn so với thông thường đã được kéo dài đến 10 giờ đêm (Luật 2003 quy định đến 8 giờ tối).

- Về thẩm quyền quyết định hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định (Điều 54): Luật 2003 nêu chung chung là Hội đồng bầu cử trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định vấn đề này. Luật số 63/2010/QH12 đã quy định rõ Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định, sau khi Ủy ban bầu cử trình.

- Về thẩm quyền hủy bỏ và quyết định ngày bầu cử lại do có vi phạm pháp luật nghiêm trọng (Điều 64): trước đây, thẩm quyền này thuộc về Ủy ban thường vụ Quốc hội, nay Luật số 63/2010/QH12 giao cho Hội đồng bầu cử quyết định vấn đề này.

 

Trương Thị Hiền

 


Ý kiến bạn đọc