Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Cạnh tranh Việt Nam (Tiếp theo)

09:02, 16/02/2011

9.Luật Cạnh tranh quy định như thế nào về hành vi ép buộc trong kinh doanh?
Theo quy định tại Điều 42 Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp bị cấm ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.

10.Hành vi ép buộc trong kinh doanh bị xử lý như thế nào?
Theo quy định Điều 32 Nghị định số 120, doanh nghiệp thực hiện hành vi ép buộc trong kinh doanh bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Trong trường hợp thực hiện hành vi ép buộc đối với khách hàng hoặc đối tác kinh doanh lớn nhất của đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền nêu trên, doanh nghiệp vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

11.Luật Cạnh tranh quy định như thế nào về hành vi gièm pha doanh nghiệp khác?
Theo quy định Điều 43 Luật Cạnh tranh, hành vi gièm pha doanh nghiệp khác bị cấm là hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

12.Hành vi gièm pha doanh nghiệp khác bị xử lý như thế nào?
Theo quy định Điều 33 Nghị định số 120, doanh nghiệp có hành vi gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Doanh nghiệp có hành vi trực tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền nêu trên, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:   
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm;
- Buộc cải chính công khai.

13.Luật Cạnh tranh quy định như thế nào về hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác?
Theo quy định Điều 44 Luật Cạnh tranh, hành vi gây rối hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp khác bị cấm là hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

14.Hành vi gây rối doanh nghiệp khác bị xử lý như thế nào?
Theo quy định Điều 34 Nghị định số 120, doanh nghiệp có hành vi gây rối trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Trong trường hợp hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác làm cho doanh nghiệp bị gây rối không thể tiếp tục tiến hành hoạt động kinh doanh một cách bình thường, doanh nghiệp vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:   
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm;
- Buộc cải chính công khai.

 

(Còn nữa)
[links()]

 


Ý kiến bạn đọc