Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Cạnh tranh Việt Nam (Tiếp theo)

08:50, 21/02/2011

19.Hành vi phân biệt đối xử của hiệp hội được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 47 Luật Cạnh tranh, các hiệp hội ngành nghề bị cấm thực hiện các hành vi phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp.
Hành vi phân biệt đối xử của hiệp hội được thể hiện dưới các hình thức sau đây:
- Từ chối doanh nghiệp có đủ điều kiện gia nhập hoặc rút khỏi hiệp hội nếu việc từ chối đó mang tính phân biệt đối xử và làm cho doanh nghiệp đó bị bất lợi trong cạnh tranh;
- Hạn chế bất hợp lý hoạt động kinh doanh hoặc các hoạt động khác có liên quan tới mục đích kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên.

20.Hành vi phân biệt đối xử của hiệp hội bị xử lý như thế nào?
Theo quy định Điều 37 Nghị định số 120, hiệp hội ngành nghề thực hiện một trong các hành vi phân biệt đối xử bị cấm sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Hiệp hội sẽ bị phạt tiền theo mức từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu có hành vi phân biệt đối xử thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Thực hiện hành vi vi phạm nhiều lần đối với một doanh nghiệp;
- Thực hiện hành vi vi phạm đối với nhiều doanh nghiệp cùng một lúc;
- Hạn chế bất hợp lý để chèn ép doanh nghiệp thành viên phải rút khỏi hiệp hội.

21.Bán hàng đa cấp là gì?
Theo quy định tại Khoản 11 Điều 3 Luật cạnh tranh, bán hàng đa cấp được hiểu là một phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hóa đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Việc tiếp thị để bán lẻ hàng hóa được thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau;
- Hàng hóa được người tham gia bán hàng đa cấp tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng hoặc địa điểm khác không phải là địa điểm bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp hoặc của người tham gia;
- Người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả tiếp thị bán hàng của mình và của người tham gia bán hàng đa cấp cấp dưới trong mạng lưới do mình tổ chức và mạng lưới đó được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận.

22.Thế nào là hành vi bán hàng đa cấp bất chính?
Theo quy định tại Điều 48 Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp bị cấm thực hiện các hành vi sau đây nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp:
- Thứ nhất, yêu cầu người muốn tham gia mạng phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
- Thứ hai, không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại;
- Thứ ba, cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
- Thứ tư, cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia.

23.Các biện pháp xử lý hoạt động bán hàng đa cấp bất chính?
Theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 120, doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng nếu thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
- Yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
- Yêu cầu người muốn tham gia phải trả một khoản tiền hoặc trả bất kỳ một khoản phí nào dưới hình thức khóa học, khóa đào tạo, hội thảo, hoạt động xã hội hay các hoạt động tương tự khác để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể thu tiền đối với những loại tài liệu mà doanh nghiệp có trách nhiệm phải cung cấp cho người có dự định tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp của doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (sau đây gọi là Nghị định số 110);
- Không cam kết cho người tham gia trả lại hàng hóa và nhận lại Khoản tiền đã chuyển cho doanh nghiệp theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 110.
- Cản trở người tham gia trả lại hàng hóa phát sinh từ việc chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
- Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
- Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp để dụ dỗ người tham gia bán hàng đa cấp;
- Cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hoá để dụ dỗ người tham gia bán hàng đa cấp.
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm nêu trên trong trường hợp quy mô hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra trong phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm;
- Buộc cải chính công khai.

 

(Còn nữa)
[links()]

 


Ý kiến bạn đọc