Tìm hiểu về Luật Cạnh tranh Việt Nam (Tiếp theo)
24. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm cung cấp cho người có dự định tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp các tài liệu gì?
Theo quy định Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 110, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm phải cung cấp tài liệu cho người có dự định tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp của doanh nghiệp về những nội dung sau đây:
- Chương trình bán hàng, bao gồm cách thức trả thưởng; hợp đồng mẫu mà doanh nghiệp sẽ ký với người tham gia và mọi thỏa thuận khác quy định về quyền và nghĩa vụ của người tham gia; thông tin về tiêu chuẩn chất lượng hoặc chứng chỉ chất lượng (nếu có), giá cả, công dụng và cách thức sử dụng hàng hóa được bán; quy định liên quan đến bảo hành, trả lại, mua lại hàng hóa được bán;
- Chương trình đào tạo người tham gia, bao gồm nội dung đào tạo; thời gian đào tạo; trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ đào tạo; thời gian và nội dung bồi dưỡng định kỳ cho người tham gia;
- Quy tắc hoạt động trong đó hướng dẫn cách thức giao dịch và quy định liên quan đến bán hàng đa cấp;
- Trách nhiệm của người tham gia;
- Lợi ích kinh tế mà người tham gia có thể có được bằng việc tiếp thị hay trực tiếp bán hàng hóa và các điều kiện để có được lợi ích kinh tế đó;
- Điều kiện chấm dứt hợp đồng của người tham gia và quyền, nghĩa vụ phát sinh từ việc chấm dứt hợp đồng này;
- Các vấn đề khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
25.Trách nhiệm mua lại hàng hóa của người tham gia khi chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp được quy định như thế nào?
Trách nhiệm của mua lại hàng hóa của doanh nghiệp bán hàng đa cấp đối với người tham gia khi chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp được quy định như sau:
- Hàng hóa đó có thể bán lại theo mục đích sử dụng ban đầu của hàng hóa và trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày người tham gia nhận hàng.
- Trong trường hợp phải mua lại hàng hóa nêu trên, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm hoàn lại tổng số tiền mà người tham gia đã trả để nhận được hàng hóa đó. Nếu doanh nghiệp phải chịu các chi phí quản lý, tái lưu kho và các chi phí hành chính khác thì được khấu trừ vào số tiền hoàn trả, nhưng tổng số tiền hoàn trả không được ít hơn 90% khoản tiền mà người tham gia đã trả để nhận được hàng hóa đó.
- Khi hoàn lại tiền, doanh nghiệp bán hàng đa cấp cũng có thể khấu trừ tiền hoa hồng, tiền thưởng và/hoặc lợi ích kinh tế khác mà người tham gia đã nhận từ việc nhận hàng hóa đó.
- Doanh nghiệp sẽ không có trách nhiệm mua lại đối với những trường hợp hàng hóa khi trả lại đã hết hạn sử dụng, hàng hóa theo mùa hoặc hàng hóa dùng để khuyến mại (Điều 11 Nghị định 110) .
26.Hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin, tài liệu được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 120, hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin, tài liệu trong một vụ việc cạnh tranh là hành vi của tổ chức, cá nhân thực hiện dưới một trong các hình thức sau đây:
- Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin, tài liệu mà mình biết theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
- Cung cấp thông tin, tài liệu không đúng thời hạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
- Cố tình cung cấp thông tin, tài liệu gian dối hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu;
- Cưỡng ép người khác cung cấp thông tin, tài liệu gian dối;
- Che dấu, tiêu hủy các thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc cạnh tranh.
27.Hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin, tài liệu bị xử lý như thế nào?
Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về cung cấp thông tin, tài liệu sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Trong trường hợp tài liệu cần cung cấp là đặc biệt quan trọng đối với việc giải quyết đúng đắn vụ việc cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền nói trên, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị buộc phải cung cấp lại các thông tin, tài liệu đầy đủ.
28.Hành vi vi phạm các quy định liên quan đến quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 120, hành vi vi phạm các quy định liên quan đến quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh bao gồm:
- Cố ý hoặc vô ý tiết lộ thông tin, tài liệu thuộc bí mật điều tra;
- Gây rối tại phiên điều trần.
29.Hành vi vi phạm các quy định liên quan đến quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh bị xử lý như thế nào?
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định liên quan đến quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng
Trong trường hợp thông tin, tài liệu bị tiết lộ là đặc biệt quan trọng đối với việc giải quyết đúng đắn vụ việc cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền nêu trên, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.
Ý kiến bạn đọc