Multimedia Đọc Báo in

Trợ giúp pháp lý - Một hoạt động thể hiện bản chất tốt đẹp của nền tư pháp nhân dân

18:23, 15/02/2011

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong bối cảnh đó, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân là một trong những yêu cầu bức thiết hiện nay.

Năm 1995, khẳng định quyết tâm chính trị trong việc bảo đảm quyền được tiếp cận với pháp luật của người nghèo và đối tượng chính sách, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo Chính phủ “cần nghiên cứu lập hệ thống dịch vụ tư vấn pháp luật không lấy tiền để hướng dẫn nhân dân sống và làm việc theo pháp luật” (công văn số 485/CV-VPTW ngày 31-5-1995 của Văn phòng Trung ương Đảng). Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3, Khóa VIII tiếp tục khẳng định: “Tổ chức hình thức tư vấn pháp luật cho các cơ quan, tổ chức và nhân dân, tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí”.

Năm 1997, thuật ngữ “trợ giúp pháp lý” chính thức được khẳng định trong pháp luật với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 734/TTg ngày 6-9-1997 về việc thành lập hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách.

Ngày 23-6-2006, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI, Luật Trợ giúp pháp lý  được thông qua (có  hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2007) đã đánh dấu bước chuyển về chất, đưa hoạt động trợ  giúp pháp lý lên một tầm cao mới phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và xu thế  thời đại. Theo quy định tại Điều 3 của Luật thì “trợ giúp pháp lý được hiểu là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật”

Cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh trợ giúp pháp lý cho người dân vùng sâu, vùng xa. (Ảnh: T.L)
Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh trợ giúp pháp lý cho người dân vùng sâu, vùng xa. (Ảnh: T.L)


Tại Dak Lak, trong những năm qua, hoạt động trợ giúp pháp lý đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước của tỉnh đã thực hiện tốt chức năng là cầu nối của người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách với pháp luật, không chỉ tiến hành việc tuyên truyền, trợ giúp tại trung tâm, tại các chi nhánh mà còn tổ chức hàng trăm buổi trợ giúp pháp lý lưu động kết hợp với phổ biến những chính sách ưu đãi cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa giúp họ nhận thức rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước để yên tâm sản xuất, hạn chế vi phạm pháp luật, ổn định an ninh chính trị ở cơ sở.

Năm 2010, trong phạm vi hoạt động trợ giúp pháp lý (bao gồm các lĩnh vực: cung ứng dịch vụ pháp lý, bào chữa, kiến nghị, góp phần phổ biến giáo dục pháp luật..), Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thuộc Sở Tư pháp đã thực hiện 1.264 vụ việc trợ giúp pháp lý cho 1.186 người (trong đó có 709 người là đồng bào dân tộc thiểu số); cử luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho 22 trường hợp; tổ chức 54 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa của tỉnh, kết hợp với tuyên truyền pháp luật cho gần 4.000 lượt người nghe; mở 5 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hầu hết các hội viên câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại cơ sở; ký hợp đồng với 41 cộng tác viên trợ giúp pháp lý; thành lập mới 3 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, đặt 77 hộp tin trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tố tụng trên địa bàn tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý miễn phí của nhân dân ở cơ sở.

Thực tiễn công tác trợ giúp pháp lý cho thấy đây là chính sách hợp lòng dân, phù hợp với đạo lý của dân tộc, thể hiện tính ưu việt của pháp luật và của chế độ ta.

Thứ  nhất, với mục tiêu là nâng cao hiểu biết pháp luật, tạo điều kiện cho các “nhóm xã hội yếu thế” tiếp cận pháp luật, tạo ra cơ chế công bằng trong mỗi công dân khi thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền. Từ  việc nâng cao kiến thức pháp lý cho người dân, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý sẽ góp phần mở rộng việc thực thi dân chủ ở cơ sở. Thông qua việc tuân thủ, chấp hành, sử dụng và áp dụng pháp luật, người dân sẽ có những hành vi ứng xử hợp pháp. Chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” sẽ rất khó được thực hiện nếu như người dân thiếu hiểu biết về kiến thức pháp lý.

Thứ  hai, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp, cải cách hành chính hiện nay. Trong thực tế vẫn còn một số cán bộ công chức nhà nước chưa tuân thủ nghiêm Quy chế văn hóa công sở. Một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên là do sự phản ứng từ phía xã hội đối với những hành vi vi phạm quá nhẹ. Và vì sao sự phản ứng của xã hội đối với những hành vi vi phạm lại quá nhẹ? Một trong những nguyên nhân quan trọng là do trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế. Khi người dân được nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật thì sẽ tránh được sự tùy tiện, lạm quyền từ phía cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi nhiệm vụ. Áp lực từ dư luận xã hội sẽ góp phần nâng cao nỗ lực hoàn thành vai trò xã hội của đội ngũ cán bộ chính quyền.

Ngoài ra, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý còn giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan Nhà nước giải quyết công việc một cách khách quan, công bằng và đúng pháp luật. Thông qua tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý, chúng ta có thể phát hiện sự không hợp lý, không rõ ràng từ các quy định pháp luật, nhất là những quy định pháp luật liên quan đến người được trợ giúp pháp lý, để kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung nhằm làm hoàn thiện hơn trong việc xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật.

Thứ  ba, tổ chức và  hoạt động trợ giúp pháp lý góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Thực tế qua hơn 10 năm tổ chức và hoạt động, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước của tỉnh đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đối tượng chính sách, người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa, dân tộc thiểu số, phụ nữ bị bạo hành... Chính vì vậy, hoạt động trợ giúp pháp lý góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào, không phân biệt dân tộc, địa bàn sinh sống…

Thứ  tư, hiệu quả tham gia của người dân trong đời sống chính trị xã hội phụ thuộc vào năng lực của chính họ. Khi người dân hiểu biết ít về pháp luật và những nguyên tắc cơ bản của quản lý nhà nước, quản lý xã hội,  họ có xu hướng chỉ nêu nguyện vọng, mong muốn mà thiếu sự tham gia bàn bạc, thảo luận một cách hiệu quả vào việc giải quyết các vấn đề ở dịa phương. Thậm chí, do thiếu hiểu biết về pháp luật, về quy chế dân chủ cơ sở mà tại một số nơi, một bộ phận quần chúng nhân dân bị các phần tử xấu kích động, dẫn tới việc làm trái pháp luật. Do đó, tổ chức thực hiện các hoạt động về trợ giúp pháp lý đã góp phần vào việc triển khai các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Thứ  năm, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý có vai trò củng cố, bảo vệ và phát triển các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Theo tâm lý chung, người dân rất “sợ” kiện tụng. Do vậy, hoạt động hòa giải cơ sở gắn với trợ giúp pháp lý là hình thức được người dân ủng hộ bởi sự phù hợp cả về cơ sở pháp lý và cả cơ sở đạo đức xã hội. Từ  đặc điểm không thu phí từ người được trợ giúp pháp lý, những giá trị đạo đức được củng cố. Sự đồng thuận xã hội cũng từ đó được tăng cường.

Có  thể khẳng định, trợ giúp pháp lý là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo thực hiện mục tiêu dân chủ, công bằng, văn minh.

 Trương Thị Hiền

 


Ý kiến bạn đọc