Multimedia Đọc Báo in

Hướng tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016:

Bầu cử, ứng cử - quyền chính trị cơ bản của công dân

10:58, 06/03/2011

Quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp- đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước.

Ngay từ Hiến pháp 1946- bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta đã ghi nhận tại điều thứ 18: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi , không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử...”. Tiếp theo đó các bản Hiến pháp 1959 (tại điều 23), Hiến pháp 1980 (tại điều 57), Hiến pháp 1992 (tại điều 54) đã tiếp tục khẳng định quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân. Điều 54, Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật”.

Như  vậy, bầu cử và ứng cử là những quyền hiến định của công dân, do đó phải được tuyệt  đối tôn trọng và thực hiện. Điều 2 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội 1997 và điều 2 Luật bầu cử đại biểu Hội  đồng nhân dân 2003 đã ghi nhận lại những quy định này của Hiến pháp.

Theo quy định của pháp luật, quyền bầu cử được hiểu là công dân có quyền được lựa chọn để bầu người xứng đáng, đại diện cho mình ở các cơ quan quyền lực Nhà nước mà không bị bất kỳ sự cản trở nào. Quyền bầu cử bao gồm: quyền giới thiệu người ứng cử (đề cử), quyền tham gia các hoạt động bầu cử và quyền bỏ phiếu bầu.

Luật quy định, trong thời gian lập danh sách cử tri, những công dân có quyền bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân đều được ghi tên vào danh sách cử tri; mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri nơi mình cư trú (có thể là nơi thường trú hoặc tạm trú). Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu (cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân mỗi cấp) và phải tự mình đi bầu, không được nhờ người khác bầu thay (trừ trường hợp quy định của pháp luật); khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.
Quyền ứng cử là quyền của công dân tự thấy mình có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện và nguyện vọng đóng góp trí tuệ cho đất nước thì nộp hồ sơ cho tổ chức phụ trách bầu cử để được xem xét đưa vào danh sách hiệp thương.

Vấn  đề tự ứng cử vào cơ quan quyền lực Nhà  nước đã được đặt ra ngay từ cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên; trên thực tế qua các kỳ bầu cử đều đã có người trúng cử, tuy số lượng không nhiều nhưng qua đó đã thể hiện rõ tính dân chủ trong bầu cử .

Như  đã  đề cập ở trên, quyền bầu cử  và ứng cử là những quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định, do đó về nguyên tắc phải được tuyệt đối tôn trọng. Tuy nhiên, để bảo thực hiện các quyền này một cách có hiểu quả và trong khuôn khổ của pháp luật, Luật bầu cử đã cụ thể hóa và quy định một số hạn chế trong việc tham gia bầu cử và ứng cử.

Về  những trường hợp không được tham gia bầu cử: đó là trường hợp không được ghi tên trong danh sách cử tri và trường hợp bị xóa tên trong danh sách cử tri (quy định tại điều 23 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và điều 25 Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân).

- Trường hợp không được ghi tên trong danh sách cử tri: là những người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù, người đang bị tạm giam và người mất năng lực hành vi dân sự.

Người thuộc các trường hợp nêu trên nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả tự do hoặc được cơ  quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri.

- Trường hợp bị xóa tên trong danh sách cử tri: người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Toà án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù, bị bắt tạm giam hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự thì Ủy ban nhân dân cấp xã xoá tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.

Về  trường hợp không được tham gia ứng cử: điều 29 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và điều 31 Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định 05 trường hợp không được tham gia ứng cử, gồm:
- Người thuộc các trường hợp không được ghi tên trong danh sách cử tri;
- Người đang bị khởi tố về hình sự;
- Người đang phải chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án;
- Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích;
- Người đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính về giáo dục tại xã, phường, thị trấn, tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc đang bị quản chế hành chính.

Những người đã có tên trong danh sách ứng cử mà đến thời điểm bắt đầu bầu cử bị khởi tố về hình sự, bị bắt giữ vì phạm tội quả tang hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự thì bị xóa tên trong danh sách những người ứng cử.

Như  vậy, một mặt Nhà nước đã ghi nhận và đảm bảo cho mọi công dân được thực hiện quyền của mình, mặt khác mỗi người dân cũng phải tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật, hành xử trong khuôn khổ của pháp luật để các quyền năng theo Luật định được thực thi trong thực tế.

 

Trương Thị Hiền

 


Ý kiến bạn đọc