Tìm hiểu về Luật Cạnh tranh Việt Nam (Tiếp theo)
59.Xin cho biết người tham gia tố tụng cạnh tranh bao gồm những ai?
Trong quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh, người tham gia bao gồm:
- Bên khiếu nại: Là tổ chức, cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh khiếu nại đến cơ quan quản lý cạnh tranh (Khoản 1 Điều 58 Luật Cạnh tranh).
- Bên bị điều tra: Là tổ chức, cá nhân bị cơ quan quản lý cạnh tranh quyết định điều tra trong trường hợp bị khiếu nại hoặc bị cơ quan quản lý cạnh tranh phát hiện là đang hoặc đã thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh trong thời hạn hai năm, kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện (Điều 65 Luật Cạnh tranh).
- Luật sư: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 67 Luật Cạnh tranh, luật sư có đủ điều kiện tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư được bên khiếu nại hoặc bên bị điều tra, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ủy quyền có quyền tham gia tố tụng cạnh tranh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên mà mình đại diện.
- Người làm chứng: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 68 Luật Cạnh tranh, người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc cạnh tranh có thể được Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh triệu tập tham gia tố tụng cạnh tranh với tư cách là người làm chứng hoặc được Cục Quản lý cạnh tranh mời với tư cách người làm chứng theo yêu cầu của các bên liên quan. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.
- Người giám định: Theo quy định tại Điều 69 Luật Cạnh tranh, người giám định là người có kiến thức cần thiết về lĩnh vực cần giám định được Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh trưng cầu hoặc được các bên liên quan đề nghị trưng cầu và được Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh chấp nhận theo quy định của pháp luật (Điều 69 Luật Cạnh tranh).
- Người phiên dịch: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 70 Luật Cạnh tranh, người phiên dịch là người có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại trong trường hợp có người tham gia tố tụng cạnh tranh không sử dụng được tiếng Việt. Người phiên dịch do các bên đương sự thỏa thuận lựa chọn và được Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh chấp nhận hoặc do Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh cử (Khoản 1 Điều 70 Luật Cạnh tranh).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Theo quy định tại Điều 48 Nghị định số 116, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người tuy không khiếu nại vụ việc cạnh tranh, không phải là bên bị điều tra nhưng việc giải quyết vụ việc cạnh tranh có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc được bên khiếu nại, bên bị điều tra đề nghị và được Cục Quản lý cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong trường hợp việc giải quyết vụ việc cạnh tranh có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Cục Quản lý cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
60.Quyền và nghĩa vụ của bên khiếu nại được quy định như thế nào?
Trong quá trình xử lý vụ việc cạnh tranh, bên khiếu nại có các quyền sau đây:
- Đưa ra tài liệu, đồ vật; được biết về tài liệu, đồ vật mà bên khiếu nại hoặc cơ quan quản lý cạnh tranh đưa ra;
- Tham gia phiên điều trần;
- Yêu cầu thay đổi điều tra viên, thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của Luật Cạnh tranh;
- Ủy quyền cho luật sư tham gia tố tụng cạnh tranh;
- Yêu cầu mời người làm chứng;
- Đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh trưng cầu giám định;
- Kiến nghị thay đổi người tiến hành tố tụng cạnh tranh, người tham gia tố tụng cạnh tranh theo quy định của Luật Cạnh tranh;
- Kiến nghị Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính liên quan đến vụ việc cạnh tranh (Khoản 2 Điều 66 Luật Cạnh tranh).
Trong quá trình xử lý vụ việc cạnh tranh, bên khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:
- Cung cấp đầy đủ, trung thực, chính xác, kịp thời những chứng cứ cần thiết liên quan đến kiến nghị, yêu cầu của mình;
- Có mặt theo giấy triệu tập của Cục Quản lý cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh. Trường hợp đã được triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh tiến hành xử lý vụ việc theo các thông tin sẵn có;
- Thi hành quyết định của Cục Quản lý cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh (Khoản 3 Điều 66 Luật Cạnh tranh);
- Nộp tạm ứng phí xử lý vụ việc cạnh tranh trừ trường hợp được miễn nộp tạm ứng phí xử lý vụ việc cạnh tranh (Khoản 2 Điều 53 Nghị định số 116).
61. Quyền và nghĩa vụ của bên bị điều tra được quy định như thế nào?
Trong quá trình xử lý vụ việc cạnh tranh, bên bị điều tra có các quyền sau đây:
- Đưa ra tài liệu, đồ vật; được biết về tài liệu, đồ vật mà bên khiếu nại hoặc Cục Quản lý cạnh tranh đưa ra;
- Tham gia phiên điều trần;
- Yêu cầu thay đổi điều tra viên, thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh nếu phát hiện thấy họ thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 83 của Luật Cạnh tranh;
- Ủy quyền cho luật sư tham gia tố tụng cạnh tranh;
- Yêu cầu mời người làm chứng;
- Đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh trưng cầu giám định;
- Kiến nghị thay đổi người tiến hành tố tụng cạnh tranh, người tham gia tố tụng cạnh tranh theo quy định của Luật Cạnh tranh (Khoản 1 Điều 66 Luật Cạnh tranh).
Trong quá trình xử lý vụ việc cạnh tranh, bên bị điều tra có các nghĩa vụ sau đây:
- Cung cấp đầy đủ, trung thực, chính xác, kịp thời những chứng cứ cần thiết liên quan đến kiến nghị, yêu cầu của mình;
- Có mặt theo giấy triệu tập của Cục Quản lý cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh. Trường hợp đã được triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh tiến hành xử lý vụ việc theo các thông tin sẵn có;
- Thi hành quyết định của Cục Quản lý cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh (Khoản 3 Điều 66 Luật Cạnh tranh).
Ý kiến bạn đọc