Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Cạnh tranh Việt Nam (Tiếp theo)

09:09, 18/03/2011

62. Luật sư của bên bị điều tra, bên khiếu nại, bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ việc cạnh tranh có những quyền và nghĩa vụ gì?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 67 Luật Cạnh tranh và Khoản 2 Điều 50 Nghị định số 116, khi tham gia tố tụng cạnh tranh, luật sư có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Tham gia vào các giai đoạn trong quá trình tố tụng cạnh tranh;
- Xác minh, thu thập chứng cứ và cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên mà mình đại diện;
- Nghiên cứu những tài liệu trong hồ sơ vụ việc cạnh tranh và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ việc cạnh tranh để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên mà mình đại diện;
- Được thay mặt bên mà mình đại diện kiến nghị thay đổi người tiến hành tố tụng cạnh tranh, người tham gia tố tụng cạnh tranh theo quy định của Luật Cạnh tranh;
- Giúp bên mà mình đại diện về mặt pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ;
- Tôn trọng sự thật và pháp luật; không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật;
- Có mặt theo giấy triệu tập của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh;
- Không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết trong quá trình tham gia tố tụng cạnh tranh; không được sử dụng tài liệu đã ghi chép, sao chụp trong hồ sơ vụ việc cạnh tranh vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

63. Quyền và nghĩa vụ của người làm chứng được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 68 Luật Cạnh tranh, người làm chứng có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Cung cấp toàn bộ tài liệu, giấy tờ, đồ vật mà mình có được liên quan đến việc giải quyết vụ việc cạnh tranh; khai báo trực tiếp hoặc bằng văn bản với Cục Quản lý cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh về tất cả những tình tiết có liên quan đến việc giải quyết vụ việc cạnh tranh mà mình biết được;
- Tham gia phiên điều trần và khai báo trước Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh;
- Được nghỉ việc trong thời gian Cục Quản lý cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh triệu tập hoặc lấy lời khai nếu làm việc trong cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp;
- Được hưởng các khoản phí đi lại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật;
- Được từ chối khai báo nếu việc khai báo liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật đời tư hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho bên khiếu nại hoặc bên bị điều tra là người có quan hệ thân thích với mình;
- Khai báo trung thực những tình tiết có liên quan đến việc giải quyết vụ việc cạnh tranh mà mình biết được;
- Bồi thường thiệt hại và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho bên khiếu nại, bên bị điều tra hoặc cho người khác;
- Có mặt tại phiên điều trần theo giấy triệu tập của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh nếu việc khai báo của người làm chứng phải thực hiện công khai tại phiên điều trần;
- Cam đoan trước Cục Quản lý cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên;
- Người làm chứng từ chối khai báo, khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc được Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được từ chối khai báo nếu việc khai báo liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật đời tư hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho bên khiếu nại hoặc bên bị điều tra là người có quan hệ thân thích với mình;
- Người làm chứng được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

64. Quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 70 Luật Cạnh tranh, người phiên dịch có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Có mặt theo giấy triệu tập của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh;
- Dịch trung thực, khách quan, đúng nghĩa;   
- Đề nghị người tiến hành tố tụng cạnh tranh, người tham gia tố tụng cạnh tranh giải thích thêm nội dung cần dịch;
- Không được tiếp xúc với những người tham gia tố tụng cạnh tranh khác, nếu việc tiếp xúc đó có thể ảnh hưởng đến tính trung thực, khách quan, đúng nghĩa khi dịch;
- Được hưởng các khoản phí đi lại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật;
- Cam đoan trước Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;
- Người phiên dịch cố ý dịch sai sự thật hoặc khi được Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

65. Trong trường hợp nào người phiên dịch phải từ chối tham gia tố tụng cạnh tranh hoặc bị thay đổi?
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 70 Luật Cạnh tranh, người phiên dịch phải từ chối tham gia tố tụng cạnh tranh hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:
- Là người thân thích với bên khiếu nại hoặc bên bị điều tra;
- Là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc cạnh tranh;
- Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ không vô tư khi làm nhiệm vụ;
- Đã tham gia tố tụng cạnh tranh với tư cách là luật sư, người làm chứng, người phiên dịch trong cùng vụ việc cạnh tranh đó;
- Đã tiến hành tố tụng trong vụ việc cạnh tranh đó với tư cách là thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.

 

(Còn nữa)
[links()]

 


Ý kiến bạn đọc