Multimedia Đọc Báo in

Cần hiểu đúng về “Quy chế người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí”

15:37, 12/07/2011

Từ năm 2007, việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước đã được “luật hóa” bằng Quyết định 77 của Thủ tướng Chính phủ. Những tưởng, sau khi có quy định này, việc tiếp cận thông tin của phóng viên được chính thống, dễ dàng hơn. Nhưng, thực tế không hoàn toàn như vậy…

Trong dịp Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III được tổ chức hồi đầu năm 2011, chúng tôi đã xây dựng một chương trình tuyên truyền khá chi tiết với mong muốn giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát về thực trạng sản xuất, kinh doanh cà phê của người nông dân và doanh nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên sau đó, nội dung tuyên truyền không đầy đủ như mục tiêu đã đề ra ban đầu cũng chỉ vì người phát ngôn của một số cơ quan, đơn vị - nơi chúng tôi cần tìm hiểu thông tin liên tục đi họp, lúc ở Hà Nội, khi thì TP. Hồ Chí Minh… Người phát ngôn thì “đi họp”, người đứng đầu đơn vị cũng không chịu cung cấp thông tin vì cho rằng đã giao trách nhiệm cho người phát ngôn. Chờ đợi cả nửa tháng trời nhưng người phát ngôn vẫn bận đi họp, chưa về, chúng tôi đành bỏ bớt nội dung, chấp nhận có lỗi với bạn đọc. Không gặp người phát ngôn đã khổ, gặp được người phát ngôn rồi cũng chưa chắc… hết khổ! Có những trường hợp, các cơ quan, đơn vị thực hiện quy chế này rất hình thức, cử ra người phát ngôn không có kỹ năng tiếp xúc với báo chí, thiếu kiến thức, thiếu am hiểu về lĩnh vực hoạt động của đơn vị. Những người phát ngôn này thường yêu cầu phóng viên đưa trước nội dung cần trao đổi, đến khi gặp phóng viên (thông thường là phải mất vài hôm sau), họ mang một bản viết sẵn ra đọc cho phóng viên ghi lại, trông như… học sinh đang làm bài tập chép vậy. Và dĩ nhiên, nội dung trao đổi chỉ bó gọn trong phạm vi những câu hỏi đã gửi trước, những “Người phát ngôn” kiểu này thường không trả lời gì thêm, hoặc có thì cũng trả lời theo kiểu “chờ xin ý kiến lãnh đạo vì vấn đề này không thuộc thẩm quyền”, hoặc “để tìm hiểu thêm vì không phụ trách lĩnh vực này”… Điều đáng quan tâm nữa là: chính những hạn chế trong kỹ năng, nghiệp vụ, trình độ khiến những người phát ngôn kiểu này thường  chọn giải pháp an toàn là tìm mọi cách “né” báo chí! Theo danh sách người phát ngôn của các cơ quan trong tỉnh do Sở Thông tin và truyền thông cung cấp: trong tổng số 47 cơ quan, đơn vị thì chỉ có 5 đơn vị cử từ 2 người phát ngôn trở lên, gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Tư pháp, Liên đoàn Lao động tỉnh và UBND huyện Krông Bông; còn thì tất cả các đơn vị còn lại chỉ có 1 người phát ngôn, trong đó có hơn chục đơn vị cử người phát ngôn là chánh văn phòng. Chúng tôi không bàn về tiêu chuẩn người phát ngôn mà các cơ quan, đơn vị đã cử, chỉ muốn nói thêm rằng: với danh sách này, chỉ cần các cơ quan, đơn vị áp dụng quy chế người phát ngôn một cách máy móc là đã gây ra nhiều trở ngại, khó khăn trong việc tiếp cận thông tin của báo chí.

Phóng viên Đài truyền thanh Krông Năng tìm hiểu nguyên nhân lúa mất mùa ở xã Ea Tam.
Phóng viên Đài truyền thanh Krông Năng tìm hiểu nguyên nhân lúa mất mùa ở xã Ea Tam.
Quyết định 77 của Thủ tướng Chính phủ quy định rất rõ: “Người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau: là cán bộ, công chức thuộc biên chế chính thức và đang công tác tại cơ quan hành chính nhà nước; có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có thái độ trung thực, khách quan; có am hiểu sâu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và lĩnh vực quản lý của cơ quan hành chính nhà nước mà mình đang công tác; có hiểu biết nhất định về lĩnh vực báo chí, nắm vững các quy định pháp luật về báo chí; có năng lực phân tích, tổng hợp, xử lý thông tin báo chí và có khả năng giao tiếp với báo chí”, “Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có thể ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình phát ngôn hoặc phối hợp cùng người phát ngôn để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao”. Từ những nội dung này cho thấy, Quy chế người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã quy định rất rõ, nếu thực hiện đúng thì có lợi cho cả cơ quan cung cấp thông tin và báo giới. Chỉ tiếc một điều, nhiều cơ quan, đơn vị đã và đang cố tình hiểu sai, hoặc lợi dụng quy chế này để né tránh việc cung cấp thông tin cho báo chí.

Lê Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc