Tranh chấp đất liên kết ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn: Do thiếu cương quyết trong xử lý
Từ năm 2007 đến nay, gần 300 hộ dân ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn đã ký hợp đồng liên kết đất để trồng cao su và keo lai với Công ty cổ phần Tân Phương (đóng trên địa bàn). Nhưng chưa đầy 2 năm sau, giữa các bên đã xảy ra mâu thuẫn do tranh chấp và lấn chiếm đất của nhau…
Theo hợp đồng ký kết giữa các hộ dân với Công ty Cổ phần Tân Phương (gọi tắt là Công ty Tân Phương), từ năm 2007 đến nay, người dân chấp nhận liên kết đất nông nghiệp của mình, để Công ty Tân Phương đầu tư 100% về vốn, giống cây trồng, công chăm sóc.... Qua đó, người dân được hưởng 20% giá trị sản phẩm khi thu hoạch (đối với cây cao su là sau 7 năm, cây keo lai là từ 5-7 năm). Đồng thời, trong khoảng thời gian 3- 4 năm đầu, khi cây trồng chính chưa khép tán, người dân có quyền được trồng cây hoa màu ngắn ngày xen trên diện tích đất liên kết của mình. Phía Công ty Tân Phương không được mua bán, trao đổi diện tích đất đã liên kết khi hợp đồng còn hiệu lực (50 năm kể từ ngày ký kết). Tuy nhiên, trên thực tế khoảng 2 năm gần đây, giữa người dân (kể cả người có đất liên kết và không liên kết) và phía Công ty Tân Phương đã nhiều lần xảy ra tranh chấp, mà nguyên nhân chính là khi giá nông sản lên cao (nhất là cây mì và bắp, loại cây rất phù hợp để trồng trên loại đất ở khu vực này), và người dân nơi khác đến mua đất để ở… đã vô tình đẩy giá đất nơi đây lên cao. Nhận thấy trước mắt, việc liên kết chưa đem lại hiệu quả gì nên một số hộ dân đã có ý định hủy hợp đồng, những người không có đất liên kết thì cố ý lấn chiếm đất liên kết của Công ty Tân Phương. Còn phía Công ty Tân Phương lợi dụng sự nhập nhằng giữa các ranh giới đất, đã lấn những thửa đất chưa liên kết gần kề đất liên kết của mình; thậm chí còn sang nhượng lại đất liên kết cho người khác mà không được sự đồng ý của dân, trái với quy định trong hợp đồng… Đỉnh điểm của mâu thuẫn là sự tranh giành, xô xát: người dân vào chặt phá, đốt cao su của Công ty mới trồng được 2-3 năm; nhiều lần kéo đến Công ty để dọa nạt, đập phá… Sự việc được đẩy lên mức căng thẳng hơn khi Công ty Tân Phương đã đưa máy cày vào phá bỏ cây trồng của người dân. Cụ thể: Chị Võ Thị Bé ở thôn Thống Nhất, xã Krông Na thuê đất (chưa liên kết) của bà H’Nang, ở thôn Buôn Đôn A, từ đầu năm 2009 đến nay để trồng mỳ. Vụ mùa năm nay, khi cây mỳ chị mới trồng chưa đầy 1 tháng thì ngày 2-6 vừa qua, Công ty Tân Phương đã cho máy cày vào cày xới lên. Bức xúc, chị Bé đã ra nói qua lại với người lái máy cày thì bất ngờ bị một nhóm thanh niên xông đến đánh chị bị thương, phải khâu 5 mũi ở mí mắt bên phải…
Ông Thiều Hải Nhân, Phó Giám đốc Công ty CP Tân Phương đứng trước lô đất đã từng xảy ra tranh chấp mà ông cho rằng: là đất liên kết công ty. |
Còn ông Nguyễn Thế Thành, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Buôn Đôn cho hay: Huyện đã nhiều lần thành lập đoàn liên ngành xuống tận nơi để kiểm tra sự việc. Người dân có sai sót là chặt phá tài sản của Công ty, còn phía Công ty Tân Phương sau khi ký kết với người dân, đã tự ý chuyển nhượng đất cho người khác với diện tích 6 ha (năm 2010). Việc làm sai trái này đã được lãnh đạo Công ty xin lỗi trước dân… Sắp tới, nếu sự việc không được giải quyết ổn thỏa thì các ban ngành chức năng của huyện phải can thiệp bằng biện pháp: những hộ dân nào không có nhu cầu liên kết nữa thì sẽ yêu cầu đôi bên cắt hợp đồng liên kết.
Ý kiến bạn đọc