Multimedia Đọc Báo in

Về việc thành lập, xây dựng Quỹ Quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh

07:12, 16/07/2011

Năm 2002, thực hiện Pháp lệnh Dân quân tự vệ năm 1996; các Nghị định số 35/CP ngày 14-6-1996, Nghị định số 46/2000/NĐ-CP ngày 12-9-2000 của Chính phủ, hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Dân quân tự vệ, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16/2002/NQ-HĐND ngày 11-7-2002 về việc thông qua đề án huy động, lập Quỹ Quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh. Triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 138/2002/QĐ-UBND ngày 9-9-2002, trong đó quy định đối tượng huy động đóng góp Quỹ Quốc phòng – an ninh chỉ áp dụng đối với hộ gia đình có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú từ 6 tháng trở lên tại các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Ngoài các đối tượng được miễn huy động như gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, gia đình thương binh, bệnh binh, lão thành cách mạng… thì các đối tượng có khả năng huy động với mức cao hơn các hộ gia đình cụ thể như các tổ chức kinh tế, các đơn vị sự nghiệp, cơ quan hành chính, doanh nghiệp không quy định vận động đóng góp nên số thu không đáng kể. Mặc dù nguồn quỹ không lớn nhưng Quỹ quốc phòng – an ninh phần nào đã đóng góp tích cực vào việc khắc phục những khó khăn trong củng cố, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ở cơ sở, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn trong lúc ngân sách Nhà nước bố trí cho công tác quốc phòng ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra tại thời điểm nói trên.

Quỹ duy trì thực hiện đến hết năm 2006 thì chuyển sang hình thức thu khác. Năm 2007, trên cơ sở quy định của Pháp lệnh Phí và Lệ phí năm 2001 và các Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 13-6-2002, Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 6-3-2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí, việc thành lập Quỹ Quốc phòng – an ninh không theo phương thức huy động tự nguyện đóng góp của từng hộ gia đình theo quy định tại QĐ số 138/2002/QĐ-UBND nữa mà được chuyển sang chế tài thực hiện mới đó là nghĩa vụ bắt buộc phải đóng góp, không mang tính chất vận động tự nguyện và đặc biệt không quy định đối tượng được miễn. Đối tượng áp dụng rộng hơn gồm: Các hộ gia đình, các hộ sản xuất, kinh doanh tại các phường, thị trấn và các xã trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh… Đó là những nội dung được quy định tại Nghị quyết số 09/2007/NQ-HĐND ngày 13-4-2007 và Quyết định số 26/2007/QĐ-UBND ngày 13-8-2007 của HĐND và UBND tỉnh. Như vậy kể từ năm 2007, Quỹ quốc phòng – an ninh đổi thành phí an ninh – trật tự và được đưa vào mục thu ngân sách nhà nước của địa phương. Hằng năm theo đề nghị của UBND tỉnh, HĐND tỉnh đều ban hành Nghị quyết giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các địa phương kế hoạch thu ngân sách đối với mục thu phí an ninh – trật tự trong danh mục thu về phí và lệ phí. Việc thu nộp và quản lý, sử dụng phí an ninh – trật tự thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Phí và Lệ phí năm 2001.

Dù với tên gọi, hình thức huy động và đối tượng áp dụng ở mỗi giai đoạn có khác nhau nhưng nguồn thu từ sự đóng góp của các đối tượng trong xã hội để góp quỹ (nói chung) và quỹ Quốc phòng – An ninh (nói riêng) là yêu cầu cần thiết, chính đáng để góp phần cùng với ngân sách nhà nước hỗ trợ đắc lực, có hiệu quả đối với công tác xây dựng, củng cố lực lượng Dân quân tự vệ bảo đảm công tác quốc phòng-an ninh ở địa phương. Tuy vậy, để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg về tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 17/2008/QĐ-UBND ngày 5-5-2008 nhằm quy định việc miễn thu các khoản phí, lệ phí trong đó có miễn thu đối với phí an ninh – trật tự. Như vậy, kể từ năm 2008 cho đến hết năm 2010 (trong 3 năm), phí an ninh – trật tự không được thu nữa; kinh phí bố trí cho công tác quốc phòng ở địa phương, cơ sở hoàn toàn do ngân sách nhà nước cung cấp.

Việc củng cố, xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ ở cơ sở đòi hỏi phải được quan tâm thường xuyên, có điều kiện, vì đó là lực lượng vũ trang quần chúng, góp phần bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước hạn hẹp chưa thể đáp ứng mọi yêu cầu để bảo đảm cho lực lượng này có điều kiện thực hiện nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và mua sắm trang thiết bị hỗ trợ… điều đó đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức của cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… nhằm chia sẻ gánh nặng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực này, việc tái lập Quỹ Quốc phòng – an ninh tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết. Cuối năm 2010, trên cơ sở quy định của Luật Dân quân tự vệ 2009, Điều 48 của Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 1-6-2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 30/2010/NQ-HĐND ngày 10-12-2010 về việc lập Quỹ Quốc phòng - an ninh tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; trong đó quy định cụ thể đối tượng được vận động tự nguyện đóng góp, đối tượng được miễn vận động (tương tự như đối tượng được quy định trong Nghị quyết số 16/2002/NQ-HĐND). Mức đóng góp của các đối tượng cũng được quy định cụ thể chi tiết trong Nghị quyết. Tuy nhiên, khác với quy định trong Nghị quyết số 16/2002/NQ-HĐND và Quyết định số 138/2002/QĐ-UBND, việc quản lý, sử dụng nguồn quỹ này hiện được giao cho UBND cấp xã quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng nguyên tắc, chế độ tài chính theo quy định tại Thông tư số 60/2003/TT-BTC ngày 23-6-2003 của Bộ Tài chính về quản lý thu, chi ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn. Để quản lý chặt chẽ nguồn quỹ này, UBND cấp xã phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để kiểm soát việc chi, thu, định kỳ phải báo cáo kết quả trước HĐND cấp xã, UBND cấp huyện, Phòng Tài chính cấp huyện và công khai trước nhân dân. Sắp tới UBND tỉnh sẽ ban hành quy chế cụ thể, quản lý và sử dụng đối với nguồn quỹ này trên địa bàn tỉnh.

Luật gia Đinh Xuân Dũng
(Sở Tư pháp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.