Hành trình gian nan đòi “Quyền sở hữu trí tuệ”
Đã đăng ký độc quyền sản phẩm về sở hữu trí tuệ, được Nhà nước bảo hộ, nhưng hơn 9 năm nay, kỹ sư Hoàng Thịnh (trú tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) vẫn phải ôm cả chồng đơn theo đuổi vụ kiện...
Hai lần TAND tỉnh Dak Lak có giấy mời dự phiên tòa sơ thẩm lần 2, cả hai lần ông Thịnh lên Tòa rồi lại lủi thủi về vì… bị đơn vắng mặt. Mới đây, khi nhận được “Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án” của TAND tỉnh Dak Lak với lý do “Thời hiệu khởi kiện đã hết” ông Thịnh như chết lặng. Ông nói: “tôi hết sức ngỡ ngàng, cảm giác như bị cả thùng nước đá dội vào người, bởi hai phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm trước đó không hề đề cập gì về vấn đề này. Cầm Quyết định trong tay, tôi cứ nghĩ có sự nhầm lẫn nào đó chăng !”
Từ năm 2003, ông Thịnh phát hiện lò gạch Việt Mỹ do ông Nguyễn Đình Mỹ, trú tại thị trấn Buôn Trấp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (chế tạo và mang bán trên thị trường loại máy đùn gạch có trục cào do ông Thịnh sáng chế và đã được nhà nước bảo hộ độc quyền) nên ông đã làm đơn khiếu nại gửi Sở Khoa học Công nghệ Dak Lak và UBND huyện Krông Ana. Đên cuối tháng 3-2008, toàn bộ hồ sơ vụ việc được chuyển đến TAND tỉnh. Sau nhiều lần thay đổi lịch xét xử, ngày 17 và 18-6-2010 TAND tỉnh Dak Lak đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ”, qua đó, tuyên buộc ông Mỹ phải bồi thường cho ông Thịnh tổng cộng 412 triệu đồng. Ông Mỹ đã có đơn kháng cáo, đến ngày 25-11-2010, Tòa phúc thẩm - TAND tối cao tại Đà Nẵng đã mở phiên phúc thẩm, tuyên hủy bản án vì cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ (nhầm địa danh giữa buôn M’Lớt và buôn Kô tại xã Ea Bông– PV) và chuyển hồ sơ về cho TAND tỉnh Dak Lak điều tra bổ sung và giải quyết.
![]() |
Kỹ sư Thịnh và máy đùn gạch cải tiến. |
Mặt khác, trong biên bản lấy lời khai ngày 1-10-2008, ông Nguyễn Đình Mỹ đã thừa nhận: “Tôi mua trục cào (bộ phận trong máy đùn gạch được cấp bằng ĐKQSHTT-PV) của ông Thịnh năm 2005 và sử dụng liên tục, đến nay vẫn còn sử dụng” nhưng ông Mỹ lại không chứng minh được việc mua máy đùn gạch từ ông Thịnh. Như vậy, theo hướng dẫn tại mục a.6, tiểu mục 2.2 thuộc phần IV, Nghị quyết hướng dẫn số 01/2005/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ngày 31-3-2005: “Trong một quan hệ pháp luật hoặc trong một giao dịch dân sự, nếu hành vi xâm phạm xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau, thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính kể từ thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm cuối cùng”. Do đó, có thể thấy được thời hiệu khởi kiện vẫn còn, tính từ thời điểm cuối cùng là năm 2008 và 2 năm sau đó. Về vấn đề này, Thẩm phán Nguyễn Văn Chung cho rằng: Trường hợp của ông Thịnh là liên tục vi phạm chứ không phải vi phạm ở các thời điểm khác nhau cho nên không thuộc phạm vi điều chỉnh tối đa. Vì thế, vụ kiện của ông Thịnh đã hết thời hiệu khởi kiện.
Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Thành Long – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh lại cho rằng: khi Tòa phúc thẩm hủy hồ sơ, trả về xét xử sơ thẩm lần 2 thì về nguyên tắc là không phải nộp đơn lại, mà tòa sơ thẩm tiếp tục thụ lý và giải quyết vụ án căn cứ vào hồ sơ khởi kiện tháng 5-2008. Ông Long cũng giải thích thêm: nếu như trường hợp thời gian vi phạm đứt quãng còn được tính thời hiệu, trong khi trường hợp của ông Thịnh là liên tục vi phạm, do đó tính thời hiệu lại càng được tính. Và nếu thời hiệu khởi kiện đã hết thì hai phiên tòa trước đã hủy rồi, chứ không chờ đến ngày hôm nay.
Kỹ sư Hoàng Thịnh cho biết: sẽ quyết theo kiện đến cùng và ông muốn quyền sở hữu trí tuệ của mình phải được công nhận một cách xứng đáng. Ông nói: “9 năm theo kiện, nhiều người thân khuyên tôi nên bỏ cuộc vì nếu có thắng kiện cũng không bù đủ số tiền bỏ ra, nhưng tôi không thể từ bỏ được, vì quyền sở hữu trí tuệ bị đánh cắp một cách trắng trợn quá. Với một người làm công tác khoa học thì điều đó khó chấp nhận. Tôi kiện không phải vì tiền, mà vì muốn thực hiện công bằng theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, tôi muốn tạo tiền lệ về mặt pháp lý để xã hội ý thức tốt hơn về việc phải tôn trọng sáng chế của mọi cá nhân”…
Năm 2002, sáng chế máy đùn gạch của kỹ sư Hoàng Thịnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 319. Đây là sản phẩm an toàn cho người lao động, công suất đùn gạch cao từ 1,5 đến 2,5 lần và đã được trao khá nhiều giải thưởng như: Huy chương Vàng Chợ Công nghệ và thiết bị VN năm 2003, Cúp Vàng Hội chợ triển lãm hội nhập Hải Phòng - 2004, Giải thưởng sáng tạo VIFOTEC - 2005, Giải sáng tạo điển hình VN - 2006... |
Lệ Văn
Ý kiến bạn đọc