Multimedia Đọc Báo in

Tội phạm trong lĩnh vực thuế: Tinh vi, liều lĩnh

11:10, 19/03/2013

Tình trạng lợi dụng chính sách pháp luật về thuế để trốn, chiếm đoạt tiền thuế đã và đang diễn biến phức tạp và trên diện rộng, với thủ đoạn hết sức tinh vi, liều lĩnh, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước

Niên vụ cà phê 2012 – 2013 này đã và đang xảy ra nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt”, bởi có DN sẵn sàng cất công xuống tận Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, hoặc gần hơn là Dak Nông để mua cà phê, nông sản về bán cho các DN ở Dak Lak (?!) Lần theo quan hệ làm ăn của loại hình DN (kể cả bên mua và bên bán) này, thấy có một điều rất lạ là hầu hết họ đều bỏ kinh doanh ngay sau khi xuất hóa đơn bán hàng. Chẳng hạn, từ tháng 8 đến tháng 12-2012, có một DN A. nọ kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào của 3 DN ở tỉnh khác. Tìm hiểu ở cơ quan quản lý Nhà nước đối với 3 DN này thì được biết, cả 3 đã bỏ kinh doanh vào những ngày cuối tháng 11-2012, tức là ngay sau khi xuất hóa đơn bán hàng cho DN A. Lần theo “quan hệ” làm ăn của 3 DN này lại thấy có một điểm chung nữa là trong thời gian còn hoạt động, 3 DN này đã kê khai khấu trừ VAT của một công ty ở tỉnh khác. Có điều, công ty này cũng đã bỏ kinh doanh từ tháng 9-2012! Đây chỉ là một trong số hàng chục trường hợp thành lập DN rồi mua bán lòng vòng hóa đơn, hàng hóa chỉ với mục đích chính là chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước rồi nhanh chân “cao chạy xa bay” bằng hình thức bỏ kinh doanh. Những thông thoáng trong thủ tục cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh, in hóa đơn… đã bị lợi dụng một cách triệt để. Chủ các DN này thường là người có hộ khẩu ở tỉnh, thành phố khác đến Dak Lak đăng ký thành lập DN, tổ chức kinh doanh và thực hiện các hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp trong thời gian ngắn, chiếm đoạt tiền thuế rồi bỏ trốn. Qua xác minh danh tánh của các chủ DN đã bỏ trốn cho thấy, có trường hợp đã dùng chứng minh nhân dân giả để đăng ký thành lập DN. Theo nhận định của một số chuyên gia trong lĩnh vực thuế, rất có thể số DN trên được điều hành bởi một đường dây hoặc ít nhất là cũng có quan hệ với nhau. Bởi vì kết quả xác minh hoạt động của các DN có quan hệ làm ăn với nhau này cho thấy, các DN này ra đời chủ yếu để giao dịch với nhau theo kiểu: DN này xuất hóa đơn cho DN kia rồi bỏ kinh doanh, DN kia xuất hóa đơn cho DN nọ rồi cũng bỏ kinh doanh. Đến một “điểm dừng” nào đó, để hợp thức hóa chứng từ đầu vào, các DN này tổ chức mua cà phê, nông sản trực tiếp từ nông dân với giá cao hơn giá thị trường khiến thị trường hỗn loạn và những DN làm ăn chân chính mất dần khách hàng truyền thống.

Liên quan đến vấn đề ngăn chặn sự sinh sôi của loại tội phạm mới này, nhiều người có trách nhiệm cho rằng, trước tiên Bộ Công an phải vào cuộc, mở chuyên án trên phạm vi cả nước, vì hiện tại loại tội phạm này đã nảy sinh ở nhiều tỉnh, thành khác nhau với mức độ ngày càng tinh vi, liều lĩnh. Còn về lâu dài, các cơ quan chức năng cần phải xem xét, sửa đổi một số quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực thành lập DN và kiểm tra DN sau thành lập. Không thể để kéo dài tình trạng tay không thành lập DN; thực hiện vài “phi vụ” rồi bỏ kinh doanh, ôm theo một khoản tiền thuế của Nhà nước như hiện nay được. Đối với lĩnh vực hóa đơn cũng vậy, cần phải có biện pháp quản lý hữu hiệu hơn, bởi dường như từ ngày cho phép DN tự in hóa đơn, tình trạng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, mua bán hóa đơn ngày càng diễn biến phức tạp.

 

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc