Multimedia Đọc Báo in

Một bệnh nhân bị thương đầu gối bất ngờ tử vong ở Krông Bông: Khó xác định trách nhiệm của bệnh viện

11:36, 12/04/2013

 

Báo Dak Lak nhận được đơn của gia đình ông ông Ai Kết (SN 1955), trú tại thôn 2 xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) phản ánh về việc: Con trai của ông là Ai Phương (SN 1986) chỉ bị tai nạn lao động ở đầu gối, nhưng do sự bất cẩn của bác sĩ trực của Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông nên con trai ông đã bị nhiễm trùng uốn ván dẫn đến tử vong.

Bị thương ở chân, bất ngờ tử vong

Theo đơn trình bày của ông Ai Kết, vào chiều ngày 15-3-2013, vợ của ông là bà Phan Thị Tuyết cùng 3 người con lên rẫy dọn đất để chuẩn bị gieo tỉa cho mùa vụ tới. Do bất cẩn trong lao động nên người con trai là Ai Phương đã bị lưỡi cưa cắt vào đầu gối chân trái. Gia đình đưa nạn nhân đến Trạm y tế xã Hòa Phong, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông. Tại đây, Ai Phương được một bác sĩ tên Sự (bác sĩ Nguyễn Quốc Sự - PV)) cho người nhà biết, vết thương không có gì nguy hiểm. Bác sĩ Sự đã tiến hành khâu vết thương, kê đơn thuốc cho nạn nhân uống và hẹn 10 ngày sau cắt chỉ.

Đến khoảng 13 giờ ngày 20-3-2013, bệnh nhân Ai Phương bỗng nhiên có dấu hiệu bất thường như: co giật chân tay, miệng sùi bọt mép… Người nhà vội vàng đưa nạn nhân đến Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông cấp cứu. Tuy nhiên, Ai Phương đã tắt thở trên đường nhập viện. Theo ông Ai Kết thì nguyên nhân con trai ông (Ai Phương) chết là do nhiễm trùng uốn ván. Mà lỗi này là do các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Krông Bông đã bất cẩn không tiêm phòng uốn ván cho Ai Phương khi mới nhập viện. 

Cũng theo phản ánh của gia đình thì Ai Phương là người dân tộc thiểu số (dân tộc Vân Kiều), thuộc diện được hưởng Bảo hiểm y tế nhưng lại không được khám, chữa bệnh theo quy định mà phải đóng viện phí cho bệnh viện hết 400.000 đồng...

Không thể xác định nguyên nhân!?

Trả lời phóng viên Báo Dak Lak về nội dung của ông Ai Kết, bác sĩ Nguyễn Quốc Sự, Phó khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa Krông Bông xác nhận: Sự việc xảy ra như trong đơn nêu là đúng, tuy nhiên về bản chất thì không hoàn toàn chính xác. Theo tường trình của bác sĩ Sự, vào chiều tối 15-3, Bệnh viện Krông Bông có tiếp nhận bệnh nhân Ai Phương trong tình trạng bị một vết thương nham nhở ở đầu gối chân trái. Tìm hiểu nguyên nhân xảy ra vết thương thì được biết là do bị tai nạn lao động. Sau đó bác sĩ Sự đã tiến hành rửa, sát trùng và khâu lại vết thương cho bệnh nhân. “Mặc dù nhận định đây là vết thương nhẹ, nhưng tôi vẫn đề nghị gia đình cho bệnh nhân ở lại viện để theo dõi. Tuy nhiên người nhà bệnh nhân kiên quyết đòi về nên tôi đã kê đơn thuốc cho bệnh nhân uống” – bác sĩ Sự kể. Còn về nội dung phản ánh bệnh nhân thuộc diện được hưởng Bảo hiểm y tế nhưng vẫn phải đóng 400.000 đồng viện phí, bác sĩ Sự cho biết: Khi nhập viện, bệnh nhân không hề mang theo thẻ Bảo hiểm Y tế nên Bệnh viện không có cơ sở để giải quyết. Hơn nữa, số tiền gia đình đóng cho bệnh viện như phản ánh chỉ là tiền tạm ứng khi nhập viện. Sau khi người nhà hoàn tất các thủ tục thì sẽ được bệnh viện trừ vào tiền tạm ứng.

Về nội dung đơn cho rằng do các bác sĩ không tiêm phòng uốn ván cho bệnh nhân khi nhập viện nên dẫn đến việc bệnh nhân nhiễm trùng uốn ván tử vong, bác sĩ Trần Ngọc Minh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Krông Bông cho biết: Hiện tại Bệnh viên chưa triển khai việc tiêm phòng uốn ván cho bệnh nhân. Do đó, bệnh nhân nào có nhu cầu thì phải đến Trung tâm Y tế dự phòng huyện để tiêm. Trong khi đó, bác sĩ Sự thừa nhận đã không tư vấn cho bệnh nhân Ai Phương đi tiêm phòng uốn ván khi nhập viện. Đây có thể xem là sơ sót của bác sĩ Sự. Bởi theo nguyên tắc, khi điều trị cho bệnh nhân bị vết thương hở thì bắt buộc bác sĩ phải chỉ định hoặc tư vấn cho bệnh nhân tiêm phòng uốn ván.

Riêng đối với cái chết của bệnh nhân Ai Phương, bác sĩ Trần Ngọc Minh cho biết: chiều 20-3, bệnh nhân Ai Phương được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ngừng hô hấp, đồng tử dãn (đã chết trước đó), sau đó người nhà đưa thi thể về nên không thể xác định được nguyên nhân cái chết. “Tôi nghĩ đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên chứ không phải bệnh nhân bị nhiễm trùng uốn ván dẫn đến tử vong. Bởi nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng uốn ván thì phải có thời gian ủ bệnh, sau đó phải có những triệu chứng khác…, một thời gian trước khi tử vong. Trong khi đó, theo lời người nhà bệnh nhân thì Ai Phương chỉ lên cơn co giật một khoảng thời gian ngắn trước khi tử vong là không phù hợp với triệu chứng của nhiễm trùng uốn ván. Do đó Bệnh viện Krông Bông cũng như cá nhân bác sĩ Sự không phải chịu trách nhiệm.” – bác sĩ Minh quả quyết.

Theo bác sĩ Nguyễn Hai, trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Dak Lak, về mặt lý thuyết, đối với trường hợp tử vong của bệnh nhân Ai Phương thật khó có thể kết luận là do nhiễm trùng uốn ván. Bác sĩ Nguyễn Hai dẫn nguồn tài liệu giảng dạy sau đại học của Trường Đại học Y dược Hà Nội mô tả thể uốn ván toàn thể gồm: Thời kỳ ủ bệnh: Tính từ lúc bị thương đến khi xuất hiện mỏi hàm (thời gian từ 7-12 ngày). Thời kỳ khởi phát: Tính từ lúc mỏi hàm đến co cứng toàn thân (từ 1-7 ngày). Thời kỳ toàn phát: kéo dài từ 1 đến 3 tuần. Như vậy, trường hợp của Ai Phương từ khi bị thương đến lúc tử vong chỉ trong vòng có 5 ngày là không phù hợp về mặt lâm sàng đối với bệnh uốn ván. Bác sĩ Hai chia sẻ, trong y học đôi khi cũng có sự trùng hợp ngẫu nhiên. Có những trường hợp bệnh nhân tử vong bất ngờ, Tây y gọi đó là “đột tử không rõ nguyên nhân”, trong Đông y gọi là trúng “phong kinh lạc” mà dân gian ta hay gọi là trúng gió!

Tổ bạn đọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.