Multimedia Đọc Báo in

Trường PTDTNT Nơ Trang Lơng: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh

09:07, 16/04/2013

Bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp, những năm qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) cho học sinh ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) Nơ Trang Lơng đã thu hút được đông đảo học sinh và cán bộ, giáo viên tham gia.

Giáo viên và học sinh Trường PTDTNT Nơ Trang Lơng tìm hiểu thông tin  ở tủ sách pháp luật của nhà trường.
Giáo viên và học sinh Trường PTDTNT Nơ Trang Lơng tìm hiểu thông tin ở tủ sách pháp luật của nhà trường.

Xác định việc giáo dục pháp luật đến từng học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số có tác động lớn trong định hướng phát triển, nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi và ý thức tuân thủ pháp luật trong học sinh, hằng năm Trường PTDTNT Nơ Trang Lơng đều xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện TTPBGDPL. Trong đó ngoài việc tổ chức dạy và học các kiến thức pháp luật theo chương trình môn học như môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Ngữ văn, Địa lý... nhà trường còn thực hiện bằng nhiều biện pháp và hình thức lồng ghép phong phú thông qua các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt đoàn thể, giáo dục ngoài giờ lên lớp như: Thi tìm hiểu pháp luật, vẽ tranh, tiểu phẩm vui về những tình huống pháp luật; xây dựng tủ sách pháp luật, tư vấn pháp luật hay các hội thảo chuyên đề về pháp luật… Từ đó, các em được tiếp thu kiến thức pháp luật một cách tự nhiên, sinh động góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật và ứng xử theo chuẩn mực.

Để tạo hứng thú và kiểm chứng sự nắm bắt thông tin pháp luật trong học sinh, mỗi tuần nhà trường đều đưa ra một chủ đề (liên quan đến pháp luật) để các lớp chuẩn bị nội dung thuyết trình vào buổi chào cờ đầu tuần sau. Nội dung thường tập trung vào các kiến thức pháp luật về Quyền và nghĩa vụ công dân, Luật Thanh niên, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống HIV/AIDS... Điều này đã phần nào giúp học sinh tiếp cận các kiến thức pháp luật có hiệu quả và tích cực hơn. Em Triệu Hồng Ngân (học sinh lớp 12A1) cho biết: "Do thường xuyên chuẩn bị nội dung thuyết trình các vấn đề về pháp luật nên em và các bạn trong lớp thường đến thư viện và tủ sách pháp luật của trường để tìm đọc. Cũng từ đó, em dần thích đọc các loại sách về pháp luật. Sắp bước vào kỳ thi tuyển sinh vào Đại học, em dự định sẽ thi vào ngành Luật để có cơ hội tìm hiểu về pháp luật nhiều hơn". Nhằm xây dựng ý thức và thói quen chấp hành pháp luật cho học sinh, hằng ngày nhà trường đều phổ biến các thông tin về pháp luật thông qua hệ thống phát thanh nội bộ và Bản tin pháp luật trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Không những thế, nhà trường còn thành lập các câu lạc bộ (CLB) kỹ năng sống, học tập, sân khấu hóa... giải đáp những thông tin pháp luật, đời sống giúp học sinh giải quyết những tình huống thường gặp trong học tập và cuộc sống...

Thầy Bùi Xuân Lễ, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT Nơ Trang Lơng cho biết: “Nhà trường luôn chú trọng đến vai trò và tầm quan trọng của công tác PBGDPL cho học sinh. Hằng năm, trường phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hoạt động như: Tập huấn kiến thức pháp luật cho giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, cán bộ quản lý giáo dục; tổ chức các cuộc tọa đàm, nói chuyện, hội thi chuyên đề pháp luật cho học sinh nhằm đánh giá thực trạng cũng như nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các em để xây dựng kế hoạch, tài liệu phổ biến pháp luật phù hợp, thiết thực. Các nội dung pháp luật được phổ biến thường gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục nhân cách tập trung vào các lĩnh vực giáo dục trẻ em, bảo vệ môi trường, chấp hành Luật Giao thông đường bộ, phòng chống ma túy, tội phạm và các tệ nạn xã hội trong học đường”… Từ đó, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, giáo viên và học sinh trong trường được nâng lên, 100% học sinh không vi phạm pháp luật. Đặc biệt, sau khi nhà trường tổ chức TTPBGDPL, mỗi học sinh đã tích cực trở thành một tuyên truyền viên ở khu dân cư, gia đình. Em H’Đào Niê (lớp 10A1) chia sẻ: “Mỗi khi có dịp về thăm gia đình (huyện Ea H’leo) em đều kể cho bố mẹ nghe những thông tin về pháp luật đã được học để bố mẹ tuyên truyền lại cho người dân xung quanh  biết và thực hiện. Sau nhiều lần như vậy, bây giờ tình trạng vi phạm pháp luật về trộm cắp, đánh nhau ở nơi em sinh sống giảm hơn”.

Thiết nghĩ, trước thực trạng nạn bạo lực học đường, hiện tượng trẻ trong độ tuổi đến trường phạm tội ngày càng nhiều, trở thành mối lo, sự nhức nhối cho toàn xã hội  thì việc TTPBGDPL cho học sinh sẽ ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của mỗi học sinh, góp phần xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh, an toàn.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.