3 năm tù cho nguyên giảng viên đại học xài bằng giả
22:11, 29/06/2013
Báo Dak Lak số ra ngày 22- 1- 2013 đã đưa tin về việc khởi tố đối tượng Phạm Đức Hiệp (SN 1984, trú tại thôn 4, xã Hòa Tiến, huyện Krông Pak) do làm giả bằng cấp, chứng chỉ tốt nghiệp để xin vào làm việc tại một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Mới đây, TAND TP. Buôn Ma Thuột đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Đức Hiệp về tội: Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo Bản án số 173/2013/HSST ngày 14 - 6 - 2013 của TAND TP. Buôn Ma Thuột, năm 2003 Phạm Đức Hiệp tốt nghiệp THPT; đến năm 2004 theo học lớp kỹ thuật viên tin học tại Trung tâm dạy nghề Đại Lợi, TP. Buôn Ma Thuột nhưng bỏ giữa chừng; năm 2005 - 2006 học chuyên ngành đồ họa tại Trường Trung cấp Việt Tiến ở TP. Đà Nẵng và cũng chưa tốt nghiệp; khoảng thời gian này Hiệp có học thêm lớp lắp ráp và sửa chữa máy tính tại Đà Nẵng. Tháng 3 - 2007, Hiệp đến TP. Buôn Ma Thuột với mục đích xin học tại Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Dak Lak thì tình cờ nhặt được một Giấy chứng nhận tốt nghiệp Cao đẳng, chuyên ngành Công nghệ thông tin (CNTT) của Trường Cao đẳng công nghệ Đà Nẵng (mang tên người khác), Hiệp liền nảy sinh ý định chỉnh sửa giấy chứng nhận này để sử dụng xin việc. Y sử dụng máy tính cá nhân chỉnh sửa điền các thông tin của mình vào giấy chứng nhận nhặt được, sau đó in ra, photocoppy và công chứng. Tháng 5 - 2007, Hiệp cầm giấy chứng nhận tốt nghiệp giả này cùng hồ sơ cá nhân xin việc và làm tại Trường Trung cấp tư thục Trường Sơn với vị trí nhân viên phòng tổ chức hành chính. Đến tháng 10- 2007, y xin nghỉ việc và về sống tại xã Hòa Tiến, huyện Krông Pak với lý do sợ bị phát hiện bằng giả. Tháng 5 - 2008, Hiệp lên TP. Buôn Ma Thuột và tiếp tục làm giả Bằng tốt nghiệp Đại học, bảng điểm của khoa CNTT, Trường ĐH Khoa học Huế, cùng Chứng chỉ ngoại ngữ (tiếng Anh) Trình độ B của Công ty cổ phần giáo dục thuộc Trường Công nghệ kinh tế - kỹ thuật đối ngoại Hà Nội. Hiệp lên mạng Internet, tìm kiếm và tải các mẫu bằng ĐH, bảng điểm của Trường ĐH Khoa học Huế cùng Chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B nói trên, sau đó dùng photoshop để chỉnh sửa, điền các thông tin cá nhân của mình vào các mẫu văn bằng, chứng chỉ trên và photocoppy in màu, xin dấu công chứng. Hiệp đã sử dụng bằng cấp giả này xin việc tại một số cơ quan như Sở Thông tin- Truyền thông, Sở Nội vụ tỉnh… và sau đó được nhận vào làm việc tại Trường Trung cấp kinh tế công nghiệp Tây Nguyên. Nhưng đến tháng 12 - 2008, y chủ động nộp đơn nghỉ việc và xin vào làm nhân viên Trung tâm CNTT - TT của Sở Thông tin - Truyền thông, đến tháng 12- 2009 thì lại xin nghỉ việc. Đầu năm 2010, bằng cách thức nói trên, Hiệp tiếp tục làm giả Bằng Thạc sỹ, bảng điểm thạc sỹ của Trường ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, khoa CNTT, Giấy chứng nhận quản trị mạng của Học viện nghiên cứu đào tạo bồi dưỡng cán bộ Hà Nội và Giấy chứng nhận đạt chuẩn kỹ năng - kỹ sư thiết kế phần mềm của Bộ Khoa học - Công nghệ, sau đó, photocoppy làm nhiều bản và công chứng nhiều nơi. Tháng 6 - 2010, Hiêp sử dụng các văn bằng giả có công chứng này xin vào làm việc tại Trường Trung cấp Nghề Dak Lak, tháng 8 - 2011, Hiệp lại nghỉ việc và nộp hồ sơ và được nhận vào làm việc tại Trường ĐH Tây Nguyên. Đến tháng 2 - 2012, Trường ĐH Tây Nguyên phát hiện Phạm Đức Hiệp sử dụng bằng giả và chấm dứt hợp đồng lao động vào tháng 4- 2012.
Nhận thấy hành vi của bị cáo Phạm Đức Hiệp là vi phạm pháp luật nghiêm trọng; có tính chất nguy hiểm cho xã hội; xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính của Nhà nước, căn cứ điểm b, khoản 2 điều 267 Bộ Luật hình sự, HĐXX kết tuyên phạt bị cáo Phạm Đức Hiệp 3 năm tù giam.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc