Multimedia Đọc Báo in

Báo động tình trạng giả mạo hồ sơ lâm sản

08:34, 06/10/2013

Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  ban hành thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT  về hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản, lực lượng kiểm lâm các địa phương đã phát hiện hàng loạt doanh nghiệp làm hồ sơ giả để đối phó. Thủ đoạn này  của các doanh nghiệp đang diễn ra ngày một phức tạp, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý của các ngành chức năng.

Một xưởng chế biến gỗ (Ảnh minh họa).
Một xưởng chế biến gỗ (Ảnh minh họa).

Ngày 5-8-2013, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai phát hiện Vũ Thành Đồng vận chuyển 5,558m3 gỗ quý hiếm (nhóm IIA) với bảng kê lâm sản do Công ty TNHH Quyền Quang Vinh – TP. Buôn Ma Thuột, Dak Lak - lập, giả mạo chữ ký, con dấu của Hạt Kiểm lâm TP. Buôn Ma Thuột trong phần xác nhận. Tiến hành kiểm tra, Chi cục Kiểm lâm Dak Lak phát hiện địa chỉ, mã số thuế của Công ty này trùng với Công ty TNHH Chung Úy. Lật lại hồ sơ, tại địa bàn M’Drak, Chi cục Kiểm Lâm Dak Lak phát hiện Công ty Chung Úy trước đó đã lập hồ sơ giả, xuất bán 7,260m3 gỗ sến (nhóm II) cho một doanh nghiệp khác ở tỉnh Kiên Giang. Hồ sơ của Công ty này cũng đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh chuyển cho Công an huyện M’Drak điều tra, làm rõ. Cùng thời điểm, Chi cục Kiểm lâm TP. Đà Nẵng phát hiện 25,538m3 gỗ xoan đào và 15,638m3 gỗ sao cát có hồ sơ do Công ty TNHH MTV TMDV Phát triển Quốc Việt - 61/58 đường Tân Chánh Hiệp, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP. HCM - xuất bán. Hồ sơ này giả chữ ký, con dấu của Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp. Tiếp đó, ngày 3-9, Chi cục Kiểm lâm Dak Lak cũng phát hiện một xe ô tô vận chuyển 4,285 ster cành nhánh, gốc rễ gỗ trắc (nhóm IIA) của DNTN Phát Lộc ở địa chỉ 243 Nguyễn Trường Tộ, TP. Buôn Ma Thuột, giả chữ ký và con dấu Hạt Kiểm lâm TP. Buôn Ma Thuột. Trong diễn biến liên quan, ngày 7-9-2013, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố, bắt tạm giam Phùng Xuân Úy - GĐ Công ty TNHH Chung Úy - và Lê Quang Vĩnh - trú phường Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột  về hành vi lập khống chứng từ, làm giả tài liệu, con dấu của Hạt Kiểm lâm TP. Buôn Ma Thuột để vận chuyển hơn 330m3 gỗ lậu từ Dak Lak đi Phú Yên tiêu thụ.

Ông Đinh Tất Thắng - Phó trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Từ khi Thông tư số 01/2012/TT - BNNPTNT thay thế Quyết định 59/2005/QĐ – BNNPTNT quy định về hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản đã giúp ngành kiểm lâm bịt được lỗ hổng quay vòng hồ sơ – nguyên nhân của việc làm thất thu thuế của Nhà nước, gây nên tình trạng lộn xộn trong quản lý bảo vệ rừng. Theo đó, thủ tục về buôn bán, vận chuyển lâm sản chặt chẽ hơn, doanh nghiệp bán gỗ phải có xác nhận của hạt kiểm lâm sở tại, khối lượng xuất bán được khấu trừ vào khối lượng nhập kho. Việc lập hồ sơ lâm sản cho từng chuyến xe đã hạn chế được việc doanh nghiệp lợi dụng quay vòng hồ sơ lâm sản như đã xảy ra, hồ sơ chỉ có một hóa đơn và một bản kê lâm sản. Ngoài ra, có những điều bắt buộc chủ doanh nghiệp phải làm, đó là có sổ theo dõi tại cơ sở chế biến để cập nhật lượng hàng vào ra, lúc đó mới có cơ sở xác nhận. Chính những yêu cầu chặt chẽ  trong quản lý và truy xuất nguồn gốc lâm sản, nên các doanh nghiệp buôn gỗ đã “lách luật” bằng thủ đoạn mới là làm giả hồ sơ để vận chuyển,  hợp thức hóa gỗ lậu. Tình trạng này đang diễn ra ngày một phổ biến và gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước. Để kịp thời ngăn chặn các hành vi trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan cung cấp hồ sơ, thông tin cần thiết cho các ngành chức năng liên quan đến những vụ việc trên, đồng thời có văn bản gửi các cơ quan chức năng, chi cục kiểm lâm 12 tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp giả mạo hồ sơ để vận chuyển lâm sản trái phép; tăng cường hơn nữa việc quản lý, kiểm tra về thủ tục hồ sơ nguồn gốc lâm sản hợp pháp trong nhập - xuất và tiêu thụ lâm sản.

 Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.