Cần công khai kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng
Từ khi Luật Khiếu nại, tố cáo (KNTC) có hiệu lực (1998), qua một số lần được sửa đổi, bổ sung đến nay cơ bản đã tương đối hoàn thiện, với việc Quốc hội đã thông qua Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo. Điều này đã góp phần rất lớn vào công tác giải quyết KNTC của công dân. Công tác giải quyết KNTC có nhiều chuyển biến tích cực nhưng kết quả đạt được còn hạn chế, nhiều vụ việc KNTC giải quyết chưa triệt để, đạt hiệu quả như mong muốn của người dân.
Tình trạng KNTC vượt cấp, khiếu kiện đông người vẫn tiếp tục diễn ra và ngày càng phức tạp. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng không tốt đối với trật tự an toàn xã hội trong thời gian gần đây. Việc giải quyết KNTC chưa thấu đáo, nhiều trường hợp còn dung túng bao che, chưa thấu tình đạt lý, thậm chí giải quyết trái pháp luật gây bức xúc trong dư luận làm giảm lòng tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.
Theo chúng tôi, các cơ quan có thẩm quyền cần công khai kết quả việc giải quyết KNTC trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giúp cho cơ quan quản lý nhà nước cấp trên, cán bộ, công chức (CBCC) và các tầng lớp nhân dân có thể giám sát, đối chiếu được quy trình xử lý, giải quyết của cơ quan chức năng có đúng pháp luật, bảo đảm thời hạn hay không. Từ đó, có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, hủy bỏ kịp thời các quyết định giải quyết KNTC trái pháp luật, xử lý trách nhiệm cơ quan, tổ chức liên quan... Điều này còn hạn chế tình trạng người dân do thiếu hiểu biết pháp luật nên đã bỏ qua việc giải quyết KNTC ở cấp có thẩm quyền mà gửi thẳng lên cơ quan cấp trên hoặc cơ quan không có thẩm quyền giải quyết. Ví dụ, các vấn đề mang tính hành chính, hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp nhưng lại gửi cho các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội...
Ngoài ra, công khai kết quả giải quyết KNTC trên các phương tiện thông tin đại chúng còn giúp đánh giá sát đúng trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức của CBCC làm công tác giải quyết KNTC, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ này. Đặc biệt, sẽ hạn chế tình trạng quan liêu, hách dịch, tham nhũng, cố ý làm trái của đội ngũ CBCC trong giải quyết KNTC, bảo đảm mọi đơn thư được thụ lý giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Thiết nghĩ, để công tác giải quyết KNTC đi vào chiều sâu, thiết thực nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức cần tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan giải quyết KNTC với các cơ quan thông tin đại chúng trong việc công bố, thông tin công khai kết quả giải quyết KNTC. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc thông báo kịp thời, công khai kết quả giải quyết KNTC đến với mọi người dân để họ thực hiện quyền giám sát. Nếu chúng ta thực hiện tốt những giải pháp chủ yếu nêu trên sẽ góp phần hạn chế, tiến tới giảm dần tình trạng KNTC vượt cấp, phức tạp kéo dài vẫn diễn ra lâu nay.
Phạm Văn Chung
Ý kiến bạn đọc