Multimedia Đọc Báo in

Ngày Pháp luật và tư tưởng pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh

13:53, 08/11/2013
Năm nay là năm đầu tiên Nhà nước ta lấy ngày 9 tháng 11 để tổ chức kỷ niệm Ngày Pháp  luật Việt Nam.

Theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013), tại điều 8 quy định: “Ngày 9 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.

Ngày Pháp luật 9-11 chính là ngày Quốc hội ban hành Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập, thể hiện sâu sắc các nguyên tắc, giá trị cơ bản của nhà nước pháp quyền và tư tưởng pháp quyền nhân nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tư tưởng pháp quyền của Hồ Chí Minh được hình thành và thể hiện từ rất sớm,  trong “Việt Nam yêu cầu ca” (diễn ca của Bản yêu sách do Hồ Chí Minh soạn để tuyên truyền), Người đã chỉ rõ: “Bảy xin Hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Và quả thực, Hiến pháp 1946 đã thấm đẫm tư tưởng pháp quyền ấy. Mặc dù ra đời cách đây đã 67 năm nhưng đến nay Hiến pháp 1946 vẫn còn nguyên giá trị về nhiều mặt, mà ở đó “mỗi câu chữ đều vang vọng tiếng dân” (TS luật Phạm Duy Nghĩa). 

Trong cuốn “Hồi ký Vũ Đình Hòe” (nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong Chính phủ Nhân dân lâm thời, sau chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến) - Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2003, ông có viết, đại ý: năm đặc điểm của Nhân nghĩa Hồ Chí Minh, đó là: tình người, tính dân, tư tưởng gốc không có gì quý hơn Độc lập - Tự do, chất trí tuệ và thành tố pháp quyền, thì thành tố pháp quyền của Nhân nghĩa là đặc sắc nhất.

Trong lúc cả nước đang đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, việc Nhà nước quyết định lấy ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 làm Ngày Pháp luật Việt Nam thực sự có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Nó khẳng định những giá trị cốt lõi của Nhà nước pháp quyền với tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời như là một sự nhắc nhở mọi người, nhất là những người trực tiếp thi hành pháp luật phải thật sự công tâm và nghiêm minh. Trong thư gửi Hội nghị tư pháp toàn quốc tháng 2-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ làm công tác Tư pháp: “Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang là làm gương cho dân trong mọi việc… Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương phụng công, thủ pháp, chí công vô tư cho nhân dân noi theo”.

Hiện nay, được biết  trên thế giới đã có hơn 40 nước có ngày pháp luật/ ngày Hiến pháp nhằm khẳng định tinh thần thượng tôn pháp luật. Ở nước ta, bằng việc tổ chức Ngày Pháp luật trên pham vi toàn quốc, hy vọng rằng tinh thần Ngày Pháp luật sẽ dần lan tỏa và thấm sâu trong đời sống mỗi cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội; góp phần nâng cao ý thức pháp luật, hướng tới việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền mà ở đó mỗi người đều tuân theo pháp luật và thực sự bình đẳng trước pháp luật.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc