Multimedia Đọc Báo in

Ghi nhận từ cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2013

07:56, 27/12/2013
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20-6-2012, có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 và thay thế cho Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ban hành năm 2002, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tạo cơ sở pháp lý, ổn định để hội nhập, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước. Đây là Bộ Luật mới, có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống, sinh hoạt của mọi tầng lớp nhân dân.
 
Để việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục sâu rộng hơn nữa về những nội dung cơ bản của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 trong tỉnh, ngày 4-2-2013, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức Cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2013. Theo đánh giá của bà Mai Hoan Niê Kdăm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức (BTC) cuộc thi, đây là cuộc thi mang ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với tỉnh nhà nên BTC đã rất chú trọng đến công tác tuyên truyền, phát động bằng nhiều hình thức như phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức lễ phát động cuộc thi (ngày 24-8-2013); phổ biến Kế hoạch, Thể lệ và câu hỏi của cuộc thi trên các kênh thông tin đại chúng nhằm kêu gọi tất cả các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hưởng ứng tham gia với hình thức gửi bài viết. Bên cạnh đó, BTC cuộc thi đã soạn ra 2 bộ câu hỏi được đánh giá là phù hợp với các đối tượng người tham gia gồm: 20 câu trắc nghiệm và 1 câu tình huống dành cho nhóm đối tượng là các học sinh từ THCS đến đại học và người dưới 18 tuổi; 9 câu hỏi tự luận và 1 câu tình huống dành cho nhóm đối tượng là cán bộ công nhân viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Cuộc thi đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công viên chức, học sinh, sinh viên, đặc biệt là các đối tượng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn (chiếm tới 15%) tham gia dự thi.
Trao giải thưởng cho các học sinh đoạt giải trong cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính” năm 2013.
Trao giải thưởng cho các học sinh đoạt giải trong cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính” năm 2013.

Ông Trần Duy Hiếu, Trưởng Phòng Phổ biến - Giáo dục pháp luật thuộc Sở Tư Pháp cho biết, chỉ sau 2 tháng rưỡi phát động, BTC đã nhận được 161.092 bài dự thi. Nhiều bài thi được viết, đánh máy dài hơn 20 trang, khổ giấy A4, trình bày sạch đẹp với nội dung chính xác, minh họa hình ảnh sát thực tế, tiêu biểu như bài của các thí sinh: Nguyễn Thị Thanh Hà, học sinh lớp 9A4, Trường THCS Lương Thế Vinh, huyện Cư M’gar; Nguyễn Văn Anh, Văn phòng Công an tỉnh... Nhiều bài đã phân tích một cách sâu sắc, nêu bật những hành vi bị nghiêm cấm trong xử lý vi phạm hành chính; các biện pháp và nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính; những điểm mới cơ bản của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 so với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trước đây cùng với những khó khăn, vướng mắc và những hạn chế của nó, tiêu biểu như bài dự thi của các thí sinh: Phạm Thị Thùy Dung, học sinh lớp 12A, Trường THPT Phan Đăng Lưu, huyện Krông Buk; Nguyễn Thị Ngọc Anh, Đội Pháp chế - Văn phòng Công an tỉnh; Trương Công Sơn, Công an huyện Cư M’gar... Qua đó khẳng định sự cần thiết phải ban hành Luật xử lý vi phạm hành chính, một công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước, nhằm duy trì trật tự xã hội, kỷ cương của Nhà nước và của các cấp chính quyền. Đây cũng là những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của các tổ chức và các cá nhân đang được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm.

Cũng theo đánh giá cảu BTC cuộc thi, so với mọi năm thì các bài dự thi năm nay có số lượng nhiều hơn 20%; các bài viết được trình bày công phu, rõ ràng và chi tiết hơn; nhiều bài dự thi được phân tích, lập luận chặt chẽ, mạch lạc với nhiều tranh ảnh, tư liệu minh họa rất phong phú và đa dạng; điều này thể hiện ý thức, trách nhiệm chính trị cao của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đối với việc học tập, nghiên cứu và thực hiện pháp luật nói chung và tính nghiêm túc trong việc hưởng ứng cuộc thi, rất đáng ghi nhận và nhân rộng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số điểm tồn tại đó là: Một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc thi, từ đó chưa tuyên truyền vận động để cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng; một số Phòng Tư pháp chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chủ động tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo, triển khai cuộc thi, dẫn đến có huyện không kịp gửi bài dự thi theo đúng thời hạn quy định; việc chạy theo thành tích, làm bài dự thi để đối phó, đã phần nào làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc thi, đồng thời hình thành một ý thức không tốt trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Những thiếu sót trên đây, BTC rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng cho các cuộc thi tiếp theo.

Có thể nói rằng, cuộc thi “Tìm hiểu Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính” trên địa bàn tỉnh đã thành công tốt đẹp. Qua đó tạo nên một bước chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tư tưởng trong việc thực thi Pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân, nhất là ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, góp phần giữ vững kỷ cương phép nước, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.