Multimedia Đọc Báo in

Các bên tranh chấp dân sự phải được bình đẳng trước pháp luật

09:34, 23/12/2013
Thời gian qua, các Tòa án đang thụ lý giải quyết tranh chấp hợp đồng giao khoán giữa Công ty cà phê Buôn Ma Thuột với một số hộ dân ở Tổ dân phố 9, phường Thắng Lợi, TP.Buôn Ma Thuột. Cấp sơ thẩm thụ lý là TAND TP.Buôn Ma Thuột, cấp phúc thẩm là TAND tỉnh và cấp giám đốc thẩm là TAND tối cao.

Hiện các Tòa án đã đưa ra xét xử một số vụ, tùy từng trường hợp có những tình tiết cụ thể khác nhau nhưng đều có tình tiết chung là căn cứ Hợp đồng kinh tế giao khoán chăm sóc vườn cà phê, phía công ty yêu cầu các hộ nhận khoán phải nộp sản phẩm còn thiếu sau nhiều năm không đóng sản phẩm theo hợp đồng. Và các phiên tòa sơ thẩm đều căn cứ vào lỗi của phía người nhận khoán (không giao nộp sản phẩm hằng năm ghi trên hợp đồng) để tính toán mức các hộ phải trả nợ cho công ty, bao gồm sản lượng thiếu và lãi suất phần của phần sản lượng thiếu này. Tuy nhiên, có một tình tiết rất quan trọng mà các bản án sơ thẩm, phúc thẩm  không lưu ý đến, đó là lỗi từ phía công ty - cũng là yếu tố gây ra lỗi của các hộ nhận khoán. Cụ thể là, mặc dù hợp đồng giao khoán có ghi rõ nghĩa vụ của phía công ty: Thực hiện các hoạt động khuyến nông, dịch vụ đầu tư thu sản phẩm nhưng trên thực tế thì công ty không hề thực hiện nghĩa vụ này. Các hộ liên kết đã từng yêu cầu công ty họp dân giải thích vì sao công ty không đầu tư nhưng vẫn thu sản phẩm thì dân mới nộp sản phẩm nhưng công ty không thực hiện, do đó mới có tình trạng việc thiếu nợ kéo dài hàng chục năm.

Những người sản xuất cà phê đều hiểu rõ một nguyên lý rằng, khác với nhiều loại cây công nghiệp khác, đối với cây cà phê nếu không có đầu tư (kỹ thuật và vật tư), không những sản phẩm thu rất hạn chế mà còn làm cho vườn cây bị hư hỏng hoàn toàn chỉ sau vài ba vụ. Và nếu vườn cây bị hư hỏng (do không được đầu tư) thì lấy đâu sản phẩm để giao nộp? Vấn đề này, tại Quyết định Giám đốc thẩm số 150/2012/DS-GĐT ngày 23-3-2012 hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Dak Lak số 13/2009/DSPT ngày 16-2-2009 và hủy bản án sơ thẩm số 66/2008/DSST của TAND TP.Buôn Ma Thuột ngày 9-7-2008 về vụ án “Tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản giữa nguyên đơn là Công ty cà phê Buôn Ma Thuột với bị đơn là ông Trần Vũ Quốc Cường,  TAND tối cao đã lưu ý như sau: “Khi giải quyết tranh chấp về hợp đồng, lẽ ra Tòa án hai cấp cần phải xác minh, tính toán cụ thể giá trị vật tư mà công ty phải cung cấp cho ông Cường theo hợp đồng là bao nhiêu? Giá trị số lượng cà phê ông Cường phải giao cho công ty (theo hợp đồng) là bao nhiêu và giá trị số lượng cà phê ông Cường đã nộp cho công ty trong vòng 10 năm”... Tuy nhiên vừa qua khi xét xử sơ thẩm (lần 2), án sơ thẩm vẫn bỏ qua lưu ý này.

Được biết hiện nay Công ty cà phê Buôn Ma Thuột đang xử lý công nợ với trên 100 hộ nhận khoán và đã yêu cầu Tòa án đưa ra xét xử một số vụ. Tuy nhiên việc xét xử vừa qua vẫn chưa thực sự “ tâm phục, khẩu phục” vì vấn đề “lỗi” của phía công ty đã bị bỏ qua. Mong rằng, lãnh đạo Tòa án 2 cấp ở địa phương nên xác định nhất quán đường lối xét xử, trong đó các bên phải được bình đẳng về nghĩa vụ thì phía người dân nhận khoán mới thông suốt từ đó tự nguyện trả nợ, không phiền hà tới cơ quan pháp luật cũng như gây căng thẳng không cần thiết giữa đôi bên doanh nghiệp và người lao động.

Thế Nhân


Ý kiến bạn đọc