Multimedia Đọc Báo in

Những sai phạm tại Trung tâm Y tế huyện Ea Kar cần sớm được xử lý nghiêm minh

09:05, 25/12/2013
Theo báo cáo kết thúc điều tra, xác minh của Công an huyện Ea Kar trong năm 2010, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Ea Kar làm thủ tục theo quy định của Nhà nước cấp cho 39 cán bộ nhân viên của 6 trạm y tế xã vùng 3 đặc biệt khó khăn với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng.
 
Trong một cuộc họp giao ban trước khi cấp tiền, ông Lương Đình Tháp, Giám đốc TTYT gặp một số trạm trưởng “đặt vấn đề” “xin” mỗi nhân viên được hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi vùng 3 mỗi người  1 triệu đồng. Gợi ý của ông Tháp sau đó đã được các trạm trưởng phổ biến rộng rãi với nhân viên của mình. Tháng 10-2010, TTYT huyện đã cấp tiền hỗ trợ này. Và, mặc dù rất không hài lòng về việc “xin tiền” của ông Giám đốc TTYT nhưng vì sợ bị trù dập hoặc gây khó khăn trong công tác nên cả thảy 39 cán bộ, nhân viên tại 6 trạm y tế thuộc vùng đặc biệt khó khăn đành phải “cắn răng” ngắt một khoản tiền không hề nhỏ đối với họ để nộp lại cho ông Tháp tổng cộng 39 triệu đồng. Làm việc với cơ quan điều tra, của ông Tháp giải trình rằng số tiền này được ông chi cho các khoản như liên hoan, hội thao… Do thời gian đã lâu nên các hóa đơn chi tiêu này đã mất(!?)

Cũng trong năm 2010, TTYT huyện Ea Kar thống nhất chi tiền may áo Blu cho mỗi cán bộ y tế tuyến xã, mỗi người 500.000 đồng. Thế nhưng số tiền ít ỏi này cũng đã bị ông Tháp “xén” bớt gần một nửa. Cụ thể, cũng trong một lần họp giao ban tuyến xã, ông Tháp đã thẳng thừng “xin” lại mỗi người 200.000 đồng trong tổng số 500.000 đồng cấp tiền may áo Blu để… chi phí hoạt động cho cơ quan. Mặc dù rất “ấm ức” nhưng cả thảy 117 cán bộ y tế tuyến xã đành phải “trích” lại cho ông Tháp mỗi người 200.000 đồng. Tổng số tiền ông Tháp “xin” được từ việc cấp tiền may áo Blu là 23.400.000 đồng. Số tiền này cũng đã được lãnh đạo TTYT huyện “chi” hết mà không hề có bất cứ một hóa đơn chứng từ nào chứng minh.

Không chỉ “xin” tiền cấp dưới, ông Tháp còn nhiều dấu hiệu sai phạm khác nghiêm trọng hơn. Báo cáo xác minh của Công an huyện Ea Kar cho biết, cuối năm 2011, ông Tháp đã tự ý bán thanh lý tài sản trụ sở làm việc Trạm y tế thị trấn Ea Kar để xây dựng mới nhưng không làm các thủ tục theo quy định, không thành lập hội đồng định giá, hội đồng đấu giá tài sản. Không chỉ có vậy, ông Tháp đã đứng ra tổ chức dịch vụ tiêm phòng ngoài luồng nhưng không báo cáo và chưa được phép của cơ quan chủ quản (Sở Y tế) và cũng không chỉ đạo quyết toán theo hệ thống sổ sách của đơn vị, không nộp thuế theo quy định của Nhà nước. Theo đó, từ năm 2010 đến ngày 7- 9-2012, TTYT huyện Ea Kar đã tổ chức tiêm phòng ngoài luồng và thu về tổng số tiền trên 405 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí mua vắc-xin, hoạt động “ngoài luồng” này đã đem lại lợi nhuận cho TTYT Ea Kar số tiền trên 103 triệu đồng. Theo Công an huyện Ea Kar, hai sai phạm này của ông Lương Đình Tháp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự!

 Trong quá trình điều tra xác minh, Công an huyện Ea Kar cũng đã phát hiện TTYT huyện Ea Kar đã làm thủ tục thanh toán dư tiền in tài liệu chuyên môn cho một cơ sở in ở TP. Buôn Ma Thuột số tiền trên 50 triệu đồng. Cụ thể, ông Tháp và nhân viên kế toán đã làm thủ tục thanh toán tiền in tổng cộng 164.160.000 đồng (thể hiện tại hai hợp đồng và thanh lý hợp đồng số 16/2011/HĐI ngày 10-2-2011 là 99.830.000 đồng và hợp đồng số 51/2011/HĐI ngày 24-8-2011 là 64.330.000 đồng). Tuy nhiên, số lượng tài liệu mà TTYT Ea Kar thực nhận chỉ có giá trị 114.000.000 đồng. Số tiền thanh toán dư trên 50.000.000 đồng, mãi đến tháng 2-2012 ông Tháp mới cử người lên TP. Buôn Ma Thuột yêu cầu cơ sở in này trả lại.

Cũng trong năm 2011, TTYT huyện Ea Kar đã nợ tiền thanh toán chế độ trực quý IV của các trạm y tế xã, thị trấn trực thuộc trên 24 triệu đồng. Số tiền này sau khi TTYT huyện chốt thanh quyết toán năm 2011 với cơ quan chủ quản là Sở Y tế vẫn chưa trả cho cán bộ nhân viên các trạm. Mãi đến tháng 2-2012, ông Tháp mới chỉ đạo nhân viên lấy khoản tiền thanh toán thừa từ hợp đồng in tài liệu (trên 50 triệu đồng) trích chi trả tiền trực quý IV-2011 cho các trạm. Tuy nhiên, việc chi trả này là không đúng theo quy định vì nguồn tiền chi trả là nguồn tiền vi phạm chưa có sự đồng ý của cơ quan chủ quản và quá trình chi trả số tiền này cũng không có đầy đủ các thủ tục hợp lệ theo quy định…

 Rõ ràng, những sai phạm của ông Lương Đình Tháp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là nghiêm trọng, đặc biệt là các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự và vi phạm các nguyên tắc về quản lý tài chính Nhà nước cần phải được xử lý nghiêm minh để làm gương. Tuy nhiên, phía Công an huyện Ea Kar lại nhận định rằng: “Ông Tháp là cán bộ đảng viên có nhiều năm công tác, cống hiến trong ngành Y tế và là một cán bộ đầu ngành ở cấp huyện trong thời gian dài. Những sai phạm của ông Tháp với mục đích tạo điều kiện cho nhân viên có thêm thu nhập, không có động cơ cá nhân; mức độ thiệt hại không lớn…”(!?) Và với nhận định đó, Công an huyện Ea Kar cho rằng không cần thiết phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra mà chỉ báo cáo những sai phạm này để cấp có thẩm quyền xem xét xử lý. 

Trong khi đó, Sở Y tế cho biết, trước thông tin về những sai phạm của ông Tháp, Sở đã có văn bản gửi TTYT huyện Ea Kar yêu cầu các cá nhân, tập thể có sai phạm làm bản kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật gửi về Sở trước ngày 12-11-2013. Tuy nhiên, Sở vẫn chưa nhận được bản kiểm điểm của những người liên quan nên không thể áp dụng hình thức kỷ luật đối với các cá nhân vi phạm được.

Trước sự việc trên, thiết nghĩ các cơ quan có trách nhiệm cần sớm có hình thức xử lý nghiêm minh đối với những sai phạm tại TTYT huyện Ea Kar, để đơn vị sớm ổn định công tác tổ chức, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và kịp thời giải tỏa những nghi ngờ, bức xúc trong dư luận.

                                                                                                                          Việt Cường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.