Multimedia Đọc Báo in

Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông

09:40, 23/01/2014

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2014 của ngành Giao thông vận tải (GTVT).

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành GTVT cần tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong năm 2013, khắc phục những hạn chế và cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thành các chương trình hành động để triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2014 và các năm tiếp theo.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành GTVT hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật theo hướng bảo đảm trật tự an toàn giao thông tốt hơn, giảm tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông; huy động nhiều hơn nữa vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư, phát triển nhanh hạ tầng giao thông trên tất cả các lĩnh vực; đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các Ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng các công trình, dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư trên tất cả các lĩnh vực giao thông.

Cụ thể, về đường bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Giao thông vận tải quyết liệt chỉ đạo thực hiện các dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên, phấn đấu hoàn thành vào năm 2016. Nghiên cứu đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ đã xuống cấp, không đáp ứng năng lực vận tải như quốc lộ 53, quốc lộ 60 đoạn nối vào tỉnh Trà Vinh...

Mặt khác, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác các tuyến đường cao tốc như Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây…; đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để sớm triển khai xây dựng các tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Bãi Vọt, Hà Nội - Lạng Sơn, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết, Trung Lương - Cần Thơ…

Về hàng không, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ngành GTVT khẩn trương hoàn thành đồng bộ các dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đường nối Nội Bài - Nhật Tân, cầu Nhật Tân đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả hoạt động của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Cát Bi, nhà ga hành khách Sân bay Vinh...

Trước tình hình quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ Giao thông - Vận tải cần khẩn trương hoàn thành công tác lập dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành có đủ cơ sở khoa học, khả thi, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội thông qua để sớm triển khai xây dựng.

Về hàng hải, đường thủy nội địa, Thủ tướng Chính phủ đề nghị khẩn trương triển khai thi công đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện để bảo đảm khai thác hiệu quả Cảng Lạch Huyện ngay sau khi hoàn thành; tập trung hoàn thành các thủ tục cần thiết để sớm tái khởi động triển khai xây dựng Luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kênh Chợ Gạo.

Về đường sắt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải sớm tính toán lại các dự án đầu tư mới, đồng thời cân đối nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo ngành GTVT tăng cường, quyết liệt hơn nữa trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, triển khai đồng bộ các giải pháp để tiếp tục giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, giảm ùn tắc giao thông. Trong đó, tiếp tục siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Giao thông vận tải và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông...

Theo ĐCSVN

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.