Cần tăng cường hướng dẫn, tạo điều kiện cho các bên tranh chấp thỏa thuận ngoài tòa án
Theo chúng tôi đây là cách làm hay, tiến bộ vì nếu đưa nhau ra tòa, khiếu nại, khiếu kiện thì đôi bên đều mất thời gian, công sức, tiền bạc nhưng không thể chắc vụ việc đi đến đâu, có đúng ý mình hay không. Mặt khác, vụ việc được xác định là do rủi ro, sự việc xảy ra hoàn toàn nằm ngoài ý muốn của cơ quan y tế và thực tế cơ quan này đã tích cực làm mọi cách để cứu chữa cháu bé. Do đó, người nhà cháu bé sẽ chẳng hứng thú gì khi đưa cơ quan y tế ra tòa, ra pháp luật, chẳng vui sướng gì khi mổ tử thi cháu bé để có cơ sở khiếu kiện.
Việc thỏa thuận bồi thường ngoài tố tụng đã được thực hiện từ lâu ở các nước phát triển, có hệ thống pháp luật hoàn thiện, có vụ việc thỏa thuận bồi thường ngoài tòa án lên đến hàng chục tỷ đô la. Rất nhiều vụ kiện kinh tế, dân sự, thương mại, thậm chí cả vụ án hình sự cũng được các bên thỏa thuận bằng việc bồi thường để khỏi phải đưa nhau ra tòa tốn kém, mất thời gian, công sức, ảnh hưởng đến uy tín của cả hai bên tranh chấp, mâu thuẫn.
Việc thỏa thuận bồi thường ngoài tòa án có rất nhiều ưu điểm, đó là khi các bên ngồi lại với nhau và đưa ra mức bồi thường mà các bên đều hài lòng, chấp nhận được mà không phải thông qua con đường pháp luật mất thời gian, tốn kém tiền của. Việc các bên tự thỏa thuận, chấp nhận bồi thường đương nhiên sẽ triệt tiêu tình trạng khiếu kiện kéo dài ảnh hưởng đến trật tự xã hội, sự phát triển chung của đất nước. Đối với cơ quan nhà nước thì việc các bên tranh chấp tự thỏa thuận với nhau sẽ giảm khối lượng công việc cho tòa án khi phải thụ lý, giải quyết quá nhiều vụ án dân sự, thương mại… Bên cạnh đó, việc người dân tự thỏa thuận giải quyết công việc của họ sẽ làm đơn giản hóa, lành mạnh, minh bạch hóa các tranh chấp, mâu thuẫn trong xã hội.
Với các ưu điểm trên, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu quy định, hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức có thể giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh mà chưa đến mức phải can thiệp bằng con đường hành chính, hình sự có thể tự đàm phán, thỏa thuận giải quyết ngoài tố tụng. Trong các trường hợp các bên tự thỏa thuận thì cơ quan nhà nước chỉ nên theo dõi, hướng dẫn nhằm bảo đảm việc thỏa thuận này không vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội để có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời. Như vậy, vừa giảm tải công việc cho các cơ quan tiến hành tố tụng, vừa bảo đảm quyền lợi cho các bên, hạn chế khiếu kiện phức tạp, kéo dài, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Vĩnh Linh
Ý kiến bạn đọc