Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự 1999
16:46, 15/03/2014
Ngày 15-3, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999 với 62 tỉnh, thành trên toàn quốc. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự hội nghị. Tại điểm cầu Dak Lak có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl cùng đại diện HĐND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban ngành, đoàn thể.
BLHS năm 1999 được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21-12-1999 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2000. Từ khi ra đời đến nay, BLHS là công cụ sắc bén của Nhà nước trong việc quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, các tổ chức và công dân. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thi hành, tình hình đất nước ta đã có những thay đổi lớn về mọi mặt nên BLHS đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong công tác tổ chức thực hiện cũng như trong quy định của luật. Đơn cử như: một số hình phạt quy định trong BLHS hầu như không được áp dụng hoặc áp dụng rất ít trong thực tiễn; dấu hiệu của một số cấu thành tội phạm chưa phù hợp với thực tế, khó chứng minh trên thực tế, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm; một số tội trong BLHS không mô tả rõ ràng dấu hiệu của hành vi khách quan gây không ít khó khăn cho việc xác định chính xác tội danh; một số hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa được quy định tại BLHS; có những vấn đề xảy ra trong thực tiễn nhưng chưa được quy định cụ thể, chi tiết trong BLHS như: trách nhiệm hình sự của pháp nhân; các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự; vấn đề hình sự hóa hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức theo yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia…
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Dak Lak |
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng cần sửa đổi bổ sung một số quy định theo hướng cụ thể hơn; cần thiết phải bổ sung vào BLHS quy định tội phạm đối với các hành vi như: bóc lột, lạm dụng lao động trẻ em; hành vi chiếm đoạt, mua bán trái phép mô, tạng, các bộ phận cơ thể người, thai nhi; hành vi thiếu trách nhiệm trong việc nuôi, nhốt, quản lý động vật hoang dã gây hiệu quả nghiêm trọng; hành vi rải đinh hoặc vật nhọn trên đường giao thông gây hậu quả nghiêm trọng; hành vi sử dụng blog cá nhân đưa thông tin trái quy định của pháp luật; hành vi tàng trữ, cất giấu lâm sản trái phép với số lượng lớn; xem xét, bổ sung thêm những tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng; hình sự hóa hành vi mua bán dâm giữa những người đồng tính; hành vi bán hàng đa cấp… Đa số các đại biểu đều đề xuất cần nghiên cứu, loại bỏ các hình phạt cảnh cáo, biện pháp tư pháp buộc công khai xin lỗi và biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội vì các biện pháp này hầu như không được áp dụng trong thực tế do tính răn đe, giáo dục của hình phạt, biện pháp này thấp, hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm không cao; cần hoàn thiện các quy định về giám định, áp dụng biên pháp chữa bệnh bắt buộc, bổ sung đối tượng chịu trách nhiệm trong trường hợp người tâm thần phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng. Các đại biểu dự hội nghị cũng đã kiến nghị, đề xuất một số quy định của BLHS về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân; sửa đổi, bổ sung, làm rõ một số khái niệm, mở rộng phạm vi áp dụng của một số điều, khoản trong luật; sửa đổi, bổ sung một số tội danh và hình phạt phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Công ước của LHQ về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, chống tham nhũng, Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: BLHS là bộ luật lớn, quan trọng nên việc sửa đổi, bổ sung để BLHS đầy đủ, toàn diện, đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm trong tình hình mới là rất quan trọng. BLHS sửa đổi sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thông qua trong năm 2015. Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc sửa đổi BLHS phải đáp ứng các yêu cầu như: phải mang tính đổi mới cơ bản, toàn diện, tính dự báo, tính minh bạch và tính khả thi cao; phù hợp với Hiến pháp 2013, nhất là những quy định về bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng như quan điểm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam; bảo đảm sự phù hợp và đồng bộ với các quy định trong hệ thống pháp luật...
Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc