Multimedia Đọc Báo in

Xét xử vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản do "cò" Hoa cầm đầu

09:02, 14/03/2014
Sáng 12-3, TAND tỉnh Dak Lak đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Thị Hoa (“cò” Hoa) cầm đầu cùng với 7 bị cáo khác. Đây là vụ án gây xôn xao dư luận trong thời gian dài bởi số người bị hại rất đông, chủ yếu là dân nghèo, với số tiền lừa đảo lên đến hàng chục tỷ đồng. (Báo Dak Lak đã có nhiều tin bài phản ánh).
 
Cùng bị truy tố trong vụ án này còn có 7 bị can khác, trong đó các bị cáo: Nguyễn Văn Nhân (SN 1969),  nguyên Tổ trưởng Tổ tín dụng PGD Tân Lợi,  Trần Dũng (SN 1961), nguyên cán bộ tín dụng PGD Tân Lợi, Đoàn Thị Thu An (SN 1966), nguyên thủ quỹ PGD Tân Lợi bị truy tố về tội vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng; các bị cáo Trần Văn Lâm (SN 1960), nguyên Giám đốc PGD Tân Lợi cùng Phạm Văn Thịnh (SN 1966), nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; 2 bị cáo Nguyễn Công An (SN 1962) và Bùi Thị Hồng Sen (SN 1980), nguyên cán bộ Tư pháp xã Hòa Thắng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
“Cò” Hoa và các bị cáo trong vụ án trước vành móng ngựa
“Cò” Hoa và các bị cáo trong vụ án trước vành móng ngựa.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, từ năm 2005 đến tháng 9-2009, Nguyễn Thị Hoa lợi dụng sự quen biết với một số cán bộ PGD Tân Lợi và cán bộ của xã Hòa Thắng nên đứng ra làm “cò” để làm thủ tục vay vốn, đáo hạn ngân hàng cho những người dân có nhu cầu nhưng không nắm rõ thủ tục. Hoa và đồng bọn đã nhận hàng chục sổ đỏ của các hộ dân để làm thủ tục vay vốn. Qua đó Hoa vừa nhận hoa hồng (từ 5-10%) trên tổng số tiền vay, vừa tự ý ghi thêm tiền vay vào hợp đồng tín dụng của người khác để chiếm đoạt. Quá trình này đã có sự tiếp tay đắc lực của một số cán bộ tín dụng PGD Tân Lợi trong việc định giá tài sản thế chấp theo hướng nâng cao giá trị so với giá trị thực tế của tài sản thế chấp, đã tạo điều kiện cho “cò” Hoa giả mạo hồ sơ vay nhiều để chiếm đoạt. Kết quả điều tra của cơ quan chức năng xác định Nguyễn Thị Hoa đã lừa đảo chiếm đoạt của 60 hộ dân với tổng số tiền trên 33,2 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, cơ quan công an cũng đã làm rõ bị cáo Nguyễn Văn Nhân là Tổ trưởng Tổ tín dụng PGD Tân Lợi đã không thẩm định hoặc thẩm định sai 26 hồ sơ vay vốn dẫn đến kết quả định giá xác định số tiền cho vay vượt số tiền định giá so với năm 2009 là trên 5 tỷ đồng và so với năm 2011 là trên 3,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Nhân còn lập dự án khống, cho vay sai mục đích sử dụng 30 trường hợp. Tương tự, Trần Dũng với tư cách là cán bộ tín dụng PGD Tân Lợi đã vi phạm về thủ tục hồ sơ và quy trình cho vay đối với 17 hồ sơ; lập dự án khống, cho vay sai mục đích sử dụng 16 hồ sơ; 12 hồ sơ không thẩm định hoặc thẩm định sai trên 1 tỷ đồng. Đoàn Thị Thu An trong thời gian làm thủ quỹ, thủ khó tại PGD Tân Lợi đã 6 lần giao tài sản thế chấp cho Nhân và Dũng để làm hồ sơ vay lại; chi tiền vay không đúng quy định trong hoạt động tín dụng… Đối với Trần Văn Lâm, là Giám đốc PGD Tân Lợi đã thiếu trách nhiệm khi ký 53 hồ sơ vay vốn không đúng quy định, thiếu trách nhiệm kiểm tra cán bộ tín dụng, thủ quỹ, thủ kho, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong 53 hồ sơ cho các hộ dân vay vốn với tổng số tiền trên 22,1 tỷ đồng này, Hoa đã chiếm đoạt trên 11,2 tỷ đồng.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra cũng xác định rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Công An và Bùi Thị Hồng Sen, là cán bộ tư pháp xã, đã nhiều lần làm trái công vụ, tham mưu trình cho lãnh đạo UBND xã Hòa Thắng ký chứng thực tổng cộng 46 hợp đồng thế chấp tài sản không đúng quy định, gây thiệt hại cho lợi ích hợp pháp của công dân. Còn đối với Phan Văn Thịnh, trong thời gian làm Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng đã thiếu trách nhiệm kiểm tra, ký chứng thực 31 hợp đồng thế chấp tài sản do An và Sen tham mưu, gây thiệt hại cho lợi ích hợp pháp của công dân. Cụ thể: có 8 hồ sơ chưa xóa thế chấp nhưng vẫn chứng thực thế chấp; 12 hồ sơ bị tố cáo là ký trước ở nhà “cò” Hoa, Hoa viết số tiền vay cao hơn số tiền người có nhu cầu muốn vay (thủ đoạn lừa vay ké) để chiếm đoạt trên 1,7 tỷ đồng; có 11 hồ sơ thế chấp tài sản để vay 5 tỷ đồng nhưng chữ ký của đồng sở hữu là chữ ký giả.

Dự kiến phiên tòa kéo dài đến cuối tuần sau.

Việt Cường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.