Multimedia Đọc Báo in

Báo động tình trạng phụ nữ người Mông ở huyện Krông Bông bị lừa bán sang Trung Quốc

14:28, 12/04/2014
Từ cuối năm 2012 đến nay, trên địa bàn thôn Noh Prông, xã Hòa Phong và các thôn Cư Rang, Cư Tê, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) đã có 10 phụ nữ do cả tin nên bị lừa bán sang Trung Quốc; đặc biệt có gia đình ở thôn Cư Rang (xã Cư Pui) cả 3 mẹ con đều bị lừa bán sang Trung Quốc.

Đầu năm 2014, chị Lý Thị D. (SN 1975) ở thôn Cư Rang (xã Cư Pui) nhiều lần nhận được điện thoại từ một đối tượng lạ rủ rê đi Trung Quốc làm thuê với tiền công 300 nghìn đồng/ngày. Dù gia đình có 2 sào ruộng, hơn 1 ha đất trồng ngô và sắn nhưng do nhận thức hạn chế, chồng mất sớm, lại cả tin muốn có nhiều tiền nên vào tối 5-2-2014, chị D. đã bỏ nhà theo gã đàn ông lạ vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Chị D. bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc để làm vợ. Hơn 1 tháng sau, may mắn trong một lần ra ngoài chị gặp công an Trung Quốc và nhờ còn giữ chứng minh nhân dân nên ngày 20-3-2014 chị D. được giải thoát. Chị D. kể: “Sống ở bên đó cực khổ lắm, tôi phải đi làm suốt ngày. Đất rẫy nương chủ yếu là sỏi đá, ăn uống khổ cực, ngôn ngữ bất đồng. Tôi bị quản lý rất chặt, không được tự do. Sau khi tôi được giải thoát trở về nhà thì hay tin đứa con gái thứ 2 là Thào Thị Ch. cũng vừa bị lừa bán sang Trung Quốc cách đây nửa tháng. Trước đó vào tháng 10-2012, đứa con gái đầu cùng đứa cháu gái 4 tháng tuổi cũng bị lừa bán sang Trung Quốc, đến nay vẫn chưa có tin tức gì. Còn hai đứa con trai ở nhà giờ cũng đã bỏ học”.

Một nạn nhân từng bị lừa bán sang Trung Quốc kể lại quá trình bị lừa bán tại một buổi phát động quần chúng ở thôn Cư Rang (xã Cư Pui, huyện Krông Bông)
Một nạn nhân từng bị lừa bán sang Trung Quốc kể lại quá trình bị lừa bán tại một buổi phát động quần chúng ở thôn Cư Rang (xã Cư Pui, huyện Krông Bông)

Em Giàng Thị D. (SN 1995) ở thôn Cư Tê (xã Cư Pui) cũng là một nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc vào tháng 11-2013 và may mắn được giải thoát trở về nhà tháng 2-2014. Gia đình D. có 8 khẩu nhưng chỉ có 7 sào đất đồi trồng sắn; cả 6 anh em D. chỉ có một người học hết lớp 2 còn lại đều thất học. D. kể lại: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, quanh năm thiếu ăn nên khi gặp được người thanh niên lạ có tên là Minh đến tán tỉnh và nói sẽ đưa về Dak Nông làm lễ ra mắt gia đình, tôi mừng lắm, cứ ngỡ khi lấy chồng về Dak Nông sẽ có được cuộc sống đỡ vất vả hơn. Sau khi lên xe, người thanh niên đó đưa tôi sang thẳng Trung Quốc, lúc đó mới biết mình bị lừa”. Sau 4 lần bị mua đi bán lại, D. về làm vợ một người đàn ông hơn em 10 tuổi. Hơn 4 tháng sau, em may mắn làm quen với một người phụ nữ Mông cũng bị bán sang Trung Quốc hơn 2 năm trước. Người phụ nữ tốt bụng này đưa D. đến trình báo công an và đến ngày 20-2-2014, em được giải thoát đưa về quê khi đang mang thai tháng thứ 3. Tương tự, trường hợp của em Đào Thị P. (SN 1997) ở thôn Noh Prông (xã Hòa Phong) cũng được giải thoát vào ngày 22-3-2014 sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc gần 1 tháng.

Được biết, ở thôn Cư Rang (xã Cư Pui) hiện vẫn còn 7 phụ nữ và 1 cháu bé bị lừa bán sang Trung Quốc chưa được giải thoát (trong đó có cả con gái của trưởng thôn và em gái của công an viên thôn). Việc điều tra những đối tượng chủ mưu lôi kéo, lừa bán phụ nữ hiện gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng này chủ yếu liên lạc bằng điện thoại và lợi dụng những chuyến xe khách liên tỉnh thường xuyên qua lại địa bàn đón bà con về thăm quê để trà trộn lôi kéo phụ nữ đi theo. Chúng thường nhằm vào những phụ nữ không được học hành, nhận thức kém, gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: “Trong thời gian vừa qua, địa phương đã nỗ lực ngăn chặn tình trạng này. Cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các đoàn thể, các dòng họ, dòng tộc và những nạn nhân may mắn trở về đều vào cuộc để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là phụ nữ để họ thấy được âm mưu và thủ đoạn của những kẻ buôn bán người, qua đó nâng cao tinh thần cảnh giác và tố giác tội phạm trong quần chúng nhân dân”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.