Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm hiếp dâm trẻ em: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

11:19, 14/04/2014
Trong những năm gần đây, tội phạm Hiếp dâm trẻ em trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
 
Theo thống kê của Viện KSND tỉnh, năm 2011 cơ quan điều tra hai cấp trong tỉnh khởi tố, điều tra 24 vụ, 34 bị can phạm tội hiếp dâm trẻ em; năm 2012 tăng lên 28 vụ, 29 bị can và năm 2013 là 32 vụ, 35 bị can. Đây chưa phải là những con số đầy đủ bởi số vụ xâm hại tình dục trẻ em trong thực tế còn nhiều hơn bởi có nhiều trường hợp, các em bị xâm hại nhưng gia đình, người thân không phát hiện được hoặc phát hiện nhưng không trình báo với các cơ quan chức năng…

Các vụ hiếp dâm trẻ em đều gây ra những hậu quả nặng nề. Nhiều trẻ em không chỉ bị xâm hại về tình dục mà còn bị xâm hại cả về sức khỏe, tính mạng; nhiều vụ án phạm tội có tổ chức, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây hoang mang, bất bình trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương… Có thể kể đến một số vụ điển hình như: Vào khoảng 10 giờ 30 ngày 15-12-2012, tại xã Cư Pui (huyện Krông Bông), đối tượng Y Hồng Byă (SN 1993) đã khống chế hiếp dâm cháu H’Q. (SN 2007), sau đó đánh chết cháu H’Q. và vùi xác cháu để phi tang. TAND tỉnh đã tuyên án tử hình đối với Y Hồng về các tội Giết người và Hiếp dâm trẻ em. Hay vào khoảng 23 giờ ngày 15-4-2013, biết được vợ chồng ông Hoàng Văn D. trú tại xã Ea Sol (huyện Ea H’leo) thường đi làm xa, chỉ có hai con gái ở nhà nên sau khi uống rượu, Y Tuân Byă (SN 1990), trú cùng xã đã rủ thêm Y Gut Byă (SN 1984), Y Sơ Ni Byă (SN 1996) và Y Dăp Byă (SN 2000) đến nhà ông D. để hiếp dâm các con của ông D. TAND tỉnh đã tuyên phạt Y Tuân tù chung thân, Y Gút 20 năm tù, Y Sơ 13 năm tù, riêng Y Dăp chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Đáng nói là trong nhiều vụ án hiếp dâm trẻ em, đối tượng phạm tội lại chính là những người thân trong gia đình các em. Từ cuối năm 2011 đến đầu năm 2012, Nguyễn Bảo Thành (SN 1982) đã nhiều lần hiếp dâm cháu Trần Thị Yến T. (SN 2001), là em con cô ruột của Thành, trú tại huyện Ea Kar. Cũng trong thời gian này, Lê Ngọc Long (SN 1955) là ông ngoại của cháu T. đã nhiều lần hiếp dâm cháu T. Cả hai đối tượng Nguyễn Bảo Thành và Lê Ngọc Long đều đã bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cũng có những vụ cả đối tượng phạm tội và người bị hại đều đang ở độ tuổi trẻ em. Điển hình như vào ngày 12-2-2013 Triệu Vần Quẩy (sinh ngày 15-2-1998) trú tại huyện Buôn Đôn đã dụ dỗ và hiếp dâm cháu Triệu Thị X. (SN 2008) ở cùng địa phương, sau đó gia đình cháu X. đã trình báo với cơ quan công an, nhưng tại thời điểm hiếp dâm cháu X., Quẩy chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng tội phạm Hiếp dâm trẻ em. Trong nhiều vụ, các đối tượng phạm tội đều có trình độ học vấn thấp, sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên rất dễ bị tác động bởi các văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực, rượu bia, dẫn đến hành xử theo ham muốn, dục vọng và phạm tội. Bên cạnh đó việc không ít các bậc cha mẹ thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, giáo dục con em mình, để các em bị kẻ xấu lợi dụng, xâm hại. Điển hình trường hợp cháu Trần Thị N. (SN 1999) trú tại huyện Cư M’gar đã bỏ nhà đi chơi nhiều ngày với Nguyễn Thành Đạt (SN 1995), trú cùng địa phương. Sau khi N. bị Đạt dụ dỗ, giao cấu nhiều lần thì gia đình mới tìm kiếm đưa con gái về nhà và làm đơn tố cáo hành vi của Đạt với cơ quan công an. Có nhiều trường hợp, gia đình biết con mình bị xâm hại, nhất là khi kẻ phạm tội là người quen, người thân trong gia đình nhưng không tố cáo tội phạm vì sợ chuyện riêng tư gia đình bị nhiều người biết, sợ xấu hổ, sợ rắc rối; điều đó vô hình đã trở thành tấm lá chắn che đậy tội ác của những tên “yêu râu xanh” đội lốt những bậc làm ông, cha, chú. Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến tình trạng phạm tội hiếp dâm trẻ em gia tăng là việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa – xã hội, giáo dục - truyền thông của các cơ quan chức năng tuy đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; công tác phòng ngừa xã hội đạt hiệu quả chưa cao, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm còn hạn chế, chưa phát huy được tác dụng tốt, chưa huy động được đông đảo nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm; ý thức cảnh giác của nhân dân đối với các hành vi phạm tội còn thấp, chưa huy động được toàn bộ hệ thống chính trị tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; việc quản lý, giáo dục học sinh trong các nhà trường, gia đình và xã hội còn nhiều bất cập...

Để góp phần phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em, thiết nghĩ các cấp ngành, nhất là cơ quan công an cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ như: thường xuyên tuần tra, theo dõi, nắm bắt và sàng lọc các đối tượng có tiền án, tiền sự, các đối tượng nhiều lần có biểu hiện xấu. Ban tự quản khối phố, UBND các xã, phường, thị trấn cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an địa bàn thực hiện việc quản lý nhân hộ khẩu, theo dõi chặt các đối tượng mới đến cư trú trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước đối với các loại hình dịch vụ văn hóa, nhất là mạng Internet, kịp thời ngăn chặn các phim ảnh có nội dung bạo lực, đồi trụy; các trò chơi trực tuyến có nội dung xấu. Các tổ chức đoàn thể xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp… cần tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; quan tâm tạo điều kiện giải quyết công ăn, việc làm cho người dân ở địa phương, nhất là đối với những người ở lứa tuổi thanh niên. Một biện pháp quan trọng nữa là ngành giáo dục cần tăng cường giáo dục giới tính nhằm giúp học sinh hiểu rõ được tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe giới tính, trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình. Các gia đình có trẻ em gái cần thường xuyên quan tâm, chăm sóc, bảo vệ con em mình; trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết để tự bảo vệ và tránh xa kẻ xấu. Đồng thời, cần tố giác ngay khi phát hiện có sự xâm hại tình dục ở trẻ em; khuyến khích trẻ tố cáo những kẻ xâm hại, tránh trường hợp trẻ em bị lạm dụng nhiều lần, nhiều năm mà vẫn không bị phát giác.

Lê Quang Tiến

(Viện KSND tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.