Cảnh sát kinh tế ghi dấu những chiến công
Cán bộ, chiến sĩ Phòng PC46 - Công an tỉnh phát hiện và xử lý một doanh nghiệp mua bán gỗ trái phép tại TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Duy Hòa |
Từ nhiều nguồn thông tin như phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, của quần chúng nhân dân, đơn thư tố cáo và việc thanh kiểm tra của các ngành chuyên môn, lực lượng cảnh sát kinh tế của tỉnh đã chủ động phát hiện, đấu tranh xử lý các loại tội phạm, thu hồi cho ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng. Theo thống kê, trong năm 2013, PC46 đã phát hiện 34 vụ, 51 đối tượng vi phạm về kinh tế với thiệt hại 2 tỷ đồng, trong đó đã thu hồi được 1,6 tỷ đồng; đồng thời thụ lý 9 vụ, 21 bị can, trong đó đã kết thúc điều tra 7 vụ. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát kinh tế của tỉnh đã phát hiện 24 vụ, 46 đối tượng, giá trị thiệt hại 1,2 tỷ đồng, thu hồi được 0,9 tỷ đồng; thụ lý 12 vụ, 18 bị can, trong đó kết thúc điều tra 5 vụ, 7 bị can. Theo Thượng tá Hồ Văn Nhi, Phó trưởng Phòng PC 46, cho biết, các vụ án kinh tế ngày càng phức tạp, tinh vi, thường liên quan đến nhiều lĩnh vực, cơ quan, ban ngành, thời gian giám định thường kéo dài nên tỷ lệ hoàn thành điều tra, khởi tố đạt khoảng 80-85% đã là một nỗ lực rất lớn của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng.
Phòng PC46 bắt một đối tượng tham gia trong vụ lừa đảo của Công ty MB24. Ảnh: Đàm Thuần |
Không chỉ làm rõ nhiều vụ án trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng với tính chất phức tạp, từ năm 2010 đến nay cán bộ, chiến sĩ PC46 còn phát hiện, điều tra nhiều vụ án liên quan những lĩnh vực mới như ngân hàng, thuế, sử dụng mạng Internet để lừa đảo… Điển hình như vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tân Lập. Từ tháng 11-2009 đến tháng 2-2010, cán bộ tín dụng của Chi nhánh ngân hàng này là Võ Thị Hồng Điệp đã lợi dụng chức năng, nhiệm vụ được giao, lấy lý do kiểm tra hồ sơ vay vốn của khách hàng để lấy tài sản thế chấp là Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất trong hồ sơ rồi lập hồ sơ vay mới đứng tên đồng chủ sở hữu để chiếm đoạt 920 triệu đồng. Võ Thị Hồng Điệp còn lấy tài sản thế chấp trong hồ sơ vay vốn của khách hàng mà ngân hàng đã giải ngân, mang ra ngoài nói dối là chưa giải ngân để cầm cố, thế chấp vay vốn chiếm đoạt hơn 27 tỷ đồng của 10 cá nhân khác. Đồng thời, cảnh sát kinh tế cũng làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của Lương Ngọc Hoàng, Trưởng Phòng Tín dụng Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Tân Lập đã tạo điều kiện cho Võ Thị Hồng Điệp lừa đảo. Các đối tượng phạm tội đã bị truy tố trước pháp luật; Võ Thị Hồng Điệp đã phải chịu án tù chung thân và Lương Ngọc Hoàng nhận 3 năm tù treo. Lực lượng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cũng đã điều tra, vạch mặt hành vi lừa đảo của một số doanh nghiệp trong việc vay vốn ngân hàng để chiếm đoạt tiền. Đơn cử như vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Phước Hưng (buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột) của vợ chồng đối tượng Phạm Quang Biểu và Lê Thị Thanh Cảnh. Bằng thủ đoạn thế chấp “khống” khối lượng tài sản (cà phê nhân) cho các ngân hàng để vay hàng chục tỷ đồng rồi làm giả bản photocopy chứng từ giải ngân và chứng minh việc sử dụng vốn vay của các hợp đồng tín dụng, làm giả các hợp đồng bán hàng; lập báo cáo tài chính của doanh nghiệp không đúng sự thật để được vay vốn ngân hàng không cần tài sản bảo đảm, vợ chồng Phạm Quang Biểu còn vay tiền của cá nhân để thanh toán nợ tại ngân hàng, rồi lại sử dụng tiền vốn vay ngân hàng để thanh toán nợ cho các khách hàng khác, sau đó mất khả năng thanh toán. Phòng PC46 đã làm rõ vụ án, xác định Phạm Quang Biểu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền hơn 58 tỷ đồng, Lê Thị Thanh Cảnh với vai trò đồng phạm gây thiệt hại hơn 31,6 tỷ đồng. Cặp vợ chồng này sau đó đã bị xử phạt tổng cộng 34 năm tù giam.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình vi phạm pháp luật kinh tế, các cán bộ, chiến sĩ PC46 phải thường xuyên cập nhật thông tin, chủ động vào cuộc làm rõ các thủ đoạn lừa đảo, gian lận mới. Năm 2012, trước thông tin về sự khuất tất trong việc kinh doanh trực tuyến của Chi nhánh Công ty Cổ phần đào tạo mua bán trực tuyến MB24 ở huyện Ea Kar và TP.Buôn Ma Thuột, PC46 đã chủ động vào cuộc, phối hợp với Cục C50 Bộ Công an điều tra làm rõ hành vi sử dụng mạng vi tính, mạng Internet để lừa đảo, lôi kéo người dân mua gian hàng ảo để chiếm đoạt tài sản của một số đối tượng thuộc công ty này. Với hành vi lừa đảo, lôi kéo 2.590 người dân tham gia làm hội viên của Công ty MB24 Hà Nội, phát triển 4.354 gian hàng ảo, thu hơn 22,6 tỷ đồng bất hợp pháp chuyển về cho Công ty MB24 Hà Nội (qua đó hưởng hoa hồng gần 4,8 tỷ đồng), các đối tượng Ngô Văn Chiến, Trần Văn Sự, Đặng Anh Tuấn và Bùi Thị Chiên đã bị khởi tố về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Trong các năm 2013, 2014, phát hiện tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế xảy ra tại một số doanh nghiệp kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh, Phòng PC46 đã xác lập chuyên án trinh sát bí số 613T. Qua điều tra xác minh, thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ, vào tháng 2-2014, PC46 đã khởi tố 3 vụ án hình sự, khởi tố 3 bị can về tội trốn thuế. Kết quả điều tra xác định: từ tháng 11-2011 đến 12-2012, có 3 đối tượng từ các địa phương khác đến Dak Lak thành lập 3 doanh nghiệp tư nhân Hữu Tam, Cường Phát, Mỹ Hòa kinh doanh cà phê, nông sản, đều có trụ sở tại TX.Buôn Hồ. Các doanh nghiệp này kê khai thuế Giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ tại Chi cục Thuế TX.Buôn Hồ nhưng không lập hệ thống sổ sách, chứng từ kế toán để theo dõi diễn biến quá trình hoạt động kinh doanh theo quy định; không có kho hàng, máy móc thiết bị, phương tiện vận chuyển; hoạt động giao dịch mua bán chủ yếu qua điện thoại và thực hiện dưới hình thức giao hàng tay ba (hàng hóa được xuất từ kho của phía bên bán hàng cho 3 doanh nghiệp trên đến giao tại kho của bên mua hàng từ các doanh nghiệp này), các doanh nghiệp không có tài liệu thể hiện phiếu xuất kho, phiếu nhập kho và theo dõi phương tiện vận chuyển. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp này đã xuất hàng chục hóa đơn cho các doanh nghiệp với doanh số hàng chục tỷ đồng song đều không kê khai nộp thuế mà chiếm đoạt sử dụng cá nhân, gây thiệt hại tiền thuế của Nhà nước hơn 2 tỷ đồng.
Tấn công tội phạm trên một mặt trận đầy phức tạp, cam go và cũng nhiều cám dỗ, mỗi vụ án, mỗi cuộc điều tra là những cuộc “đấu trí”, “cân não” căng thẳng với tội phạm và còn là cuộc đấu tranh để giữ mình của các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát kinh tế. Mỗi chiến công trong thời gian qua không chỉ phản ánh trình độ tinh thông nghiệp vụ mà còn ghi đậm dấu ấn về bản lĩnh kiên cường của các chiến sĩ PC46 Công an tỉnh.
Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc