Multimedia Đọc Báo in

Nhức nhối chuyện mua bán, sử dụng ma túy ở Ea Kuêh

15:14, 05/12/2014

Từ lâu, xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) được biết đến là điểm “nóng” về tình trạng mua bán, sử dụng ma túy, dẫn đến hệ lụy là nhiều người dính vào con đường tù tội, gia đình khốn đốn, rơi vào cảnh mẹ góa con côi…

Nghiện ma túy... bán cả chó

Ea Kuêh là địa phương có địa hình tương đối phức tạp, phía Tây giáp xã Ea Tir (huyện Ea H’leo), Bắc giáp xã Cư Pơng (huyện Krông Buk). Do địa bàn tiếp giáp với nhiều địa phương trong tỉnh và có nhiều thành phần dân tộc cư trú nên nhiều năm qua, tình trạng mua bán, sử dụng ma túy ở đây đang có dấu hiệu tăng lên.

Chúng tôi tìm về nhà chị H., thôn Thác Đá – là một trong những thôn có số lượng người mua bán, sử dụng ma túy nhiều nhất xã Ea Kuêh đúng lúc gia đình đang tổ chức 49 ngày cho anh T. chồng chị. Được biết, anh T. sử dụng hêrôin từ năm 2008, mặc dù được người thân, bạn bè khuyên răn, động viên anh từ bỏ, nhưng vì nghiện nặng anh không cai được. Trong nghi ngút khói hương, bên sự chia sẻ, động viên của mọi người xung quanh, chị H. xót xa thổ lộ: do nợ nần, thiếu tiền hút chích nên anh T. đã tìm đến cái chết như một sự giải thoát.

Chị Y Dih bày tỏ nỗi niềm của một người vợ có chồng nghiện ma túy.
Chị Y Dih bày tỏ nỗi niềm của một người vợ có chồng nghiện ma túy.

Đến buôn Xê Đăng, ai cũng biết gia đình chị Y Dih có chồng là Vi Văn K. nghiện ngập từ nhiều năm nay. Năm 2008, 2 người cưới nhau, nhưng những ngày tháng hạnh phúc bên nhau chẳng tày gang, bởi khi đứa con đầu lòng chào đời (năm 2009), cũng là lúc chị phát hiện anh K. nghiện ma túy. Từ đó đến nay, cuộc sống gia đình chị chẳng được chút bình yên, bao nhiêu của cải, vật dụng trong nhà cứ thế theo làn khói hêrôin ra đi. Căn nhà của vợ chồng chị chỉ vỏn vẹn 20 m2, trống huơ trống hoác, bởi chẳng có vật gì đáng giá ngoài 2 cái giường ọp ẹp. Chị Dih bộc bạch, nhà được chiếc xe máy cà tàng để đi làm rẫy, từ lúc bị chồng bán đi, cả nhà như người cụt chân, không đi đâu xa được, mỗi lần làm giấy tờ ngoài xã, chị phải mượn xe hàng xóm. Nhiều lúc không chống chọi được cơn nghiện, những đồ vật trong nhà như máy phát cỏ, chai thuốc trừ sâu, thậm chí con chó con chưa kịp lớn… anh K. cũng lén lút đem đi bán để mua thuốc hút chích. Oái ăm hơn, năm 2013, gia đình chị được Nhà nước hỗ trợ con bò giống để làm ăn, chồng dọa mang đi bán, chị phải gửi sang nhà ngoại. Đã “nghèo còn gặp eo”, do buộc dây không đúng cách, con bò bị dây thừng quấn vào cổ siết chết, chị Dih khóc mấy ngày liền. Có lần thấy chồng và một người đàn ông trao đổi thuốc ngay con đường trước nhà, chị hô hoán mọi người truy bắt nhưng không thành, sau đợt đó, chị đã nhờ chính quyền địa phương can thiệp để chồng cai nghiện tại gia. Chỉ từ khi chị Dih sinh đứa con thứ 4, được sự vận động, tuyên truyền của các đoàn thể tại địa phương về tác hại của ma túy, anh K. mới tỉnh ngộ, cai nghiện tu chí làm ăn, chưa thấy tái nghiện, chị Dih cảm thấy yên lòng.

Anh em rủ nhau mua bán, sử dụng hêrôin

Theo thống kê của Công an xã Ea Kuêh, năm 2014 địa phương ghi nhận 24 đối tượng mua bán, sử dụng hêrôin, chủ yếu người có quê gốc tại huyện Ba Vì (tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc TP. Hà Nội) và người dân tộc Thái ở huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An) chuyển đến. Trong đó, 7 đối tượng đang chấp hành án, một số đối tượng sau nhiều lần cai nghiện thất bại đã chết, số còn lại tái nghiện, có những trường hợp tuổi đời còn rất trẻ như Lô Thái N. (sinh năm 1987) ở buôn Thái đang bị cơ quan chức năng giam giữ. Đáng chú ý có vợ chồng Phương Thị N. và Trần Văn Đ., ngụ thôn Thác Đá, cả 2 vào tù vì tội buôn bán ma túy. Được biết, Đ. là đối tượng nghiện hút nhiều năm, cũng như các con nghiện khác, Đ. đem tất cả đồ đạc trong nhà đi bán, đến khi không còn vật dụng nào có giá trị nữa thì chuyển sang mua bán trái phép chất ma túy, lúc đầu chỉ muốn kiếm tiền mua thuốc thỏa mãn cơn nghiện, nhưng sau mấy lần trót lọt, Đ. nổi lòng tham chuyển sang buôn bán ma túy kiếm lời, dẫn đến cả 2 vợ chồng phải vào tù, 2 đứa con phải nhờ nội chăm sóc, đứa con trai đầu lòng vì buồn chuyện ba mẹ đi tù nên đã nghiện game, bỏ bê việc học hành... Không riêng gì vợ chồng Phương Thị N., vợ chồng anh trai của N. là Phương Văn C. và Nguyễn Thị C. cũng bị bắt vì tội mua bán, sử dụng ma túy; Phương Văn D. (anh trai của N.) cũng nghiện ma túy, phải đi cai đến 3 lần và người em trai sinh năm 1983 cai 1 lần tại trung tâm cai nghiện, nhưng khi trở về vẫn bị tái nghiện. Còn đối tượng Nguyễn Hoàng T. (sinh năm 1968) bị bắt do mua bán, sử dụng ma túy, có em trai là Nguyễn Hoàng H. (sinh năm 1972) đã cai nghiện 1 lần, nhưng tiếp tục tái nghiện. Ma túy đã đẩy anh em họ vào cảnh tù tội, riêng H. vì nghiện nặng, hồi giữa năm 2014 cũng phải bán căn nhà hàng trăm triệu đồng để trả nợ, giờ vợ chồng, con cái phải ở trong ngôi nhà tạm lụp xụp, xiêu vẹo…

Ông Cao Xuân Luật, Phó trưởng Công an xã Ea Kuêh cho biết, số đối tượng buôn bán, sử dụng ma túy nêu trên chỉ là bề nổi, còn thực tế có thể cao hơn nhiều… Tuy nhiên, do chưa có kết luận kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền nên chưa đưa vào danh sách quản lý, theo dõi. Vấn đề cai nghiện ở một xã nghèo như Ea Kuêh còn lắm gian nan, mà nguyên do xuất phát từ ý thức kém của người dân dẫn đến việc quản lý người nghiện cai tại cộng đồng cũng như đối tượng sau cai là không dễ. Thêm vào đó, Nghị định số 221/2013/NĐ-CP, ngày 30-12-2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng bộc lộ những hạn chế, trong đó có nêu, bác sĩ, y sĩ thuộc trạm y tế cấp xã có thẩm quyền xác định người nghiện ma túy, nhưng trạm y tế lại không được cấp phương tiện, dụng cụ phục vụ việc kiểm tra nên phải áp giải người nghi nghiện ra tuyến huyện, trong khi kinh phí áp giải không có, gây khó khăn cho địa phương…

 Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.