Xuất hiện tình trạng phá rừng lấy hạt dổi
Rừng đầu nguồn thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Krông Năng quản lý bị chặt phá trái phép để lấy hạt dổi. |
Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc BQLRPH Krông Năng cho biết, có 46 cây dổi tại tiểu khu 315A và 316 do đơn vị quản lý đã bị chặt phá để lấy hạt, đường kính mỗi cây từ 25 - 70cm, tổng số gỗ thiệt hại khoảng 52,6m3. Số cây bị chặt nằm rải rác trên diện tích khoảng 2.000ha, đơn vị đang xin cấp trên cho thu gom nhưng cũng khó vì không có đường. Hạt dổi chỉ là lâm sản phụ, BQLRPH Krông Năng cho phép người dân vào thu hái nếu không xâm hại rừng. Nhưng do cây dổi có đặc điểm thân cao, thẳng đứng, trèo lên rất nguy hiểm nên người dân đã hạ cả cây xuống để lấy hạt, trong đó có những cây to bị chặt chỉ có vài lạng hạt, bán được vài trăm nghìn đồn! Sau khi chặt cây, đối tượng chỉ lấy hạt, giấu vào người rồi ra khỏi rừng, không vận chuyển gỗ về, nên rất khó phát hiện hoặc bám theo dấu vết để bắt. Lực lượng quản lý bảo vệ rừng của đơn vị chỉ bắt được một trường hợp đang vận chuyển hạt dổi trên đường là ông Nông Văn Đời và đã chuyển cho Hạt Kiểm lâm huyện xử lý. Theo kết quả giám định của các cơ quan chức năng, có 4 loài gỗ bị khai thác trái phép gồm: gỗ dổi lá mít, gỗ vàng tâm, gỗ dổi và gỗ nhọc; số lượng là 46 lóng, khối lượng 52,686 m3 gỗ tròn. Trong đó, tại tiểu khu 315A (rừng phòng hộ) là 27 lóng, khối lượng 23,091 m3, tại tiểu khu 316 (rừng sản xuất) là 19 lóng, khối lượng 29,595 m3. Căn cứ biên bản của Hội đồng xác định giá trị thiệt hại về lâm sản, môi trường, hành vi khai thác rừng trái phép trên vượt mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính nên xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngày 4-12, Hạt Kiểm lâm Krông Năng đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Còn tại huyện Krông Bông, tình trạng vào rừng đốn dổi lấy hạt cũng đã xuất hiện nhiều tháng nay. Đi theo ông Hoàng Thanh Cung, ở xã Cư Pui vào rừng, vượt khoảng 14km, đến khu vực có tấm biển sắt ghi dòng chữ “Địa giới Vườn Quốc gia Chư Yang Sin” thì đã thấy 3 cây dổi lớn, thân cao hơn 30m bị đốn ngã, có cây đường kính gốc khoảng 1m. Cả vạt rừng xung quanh chừng vài trăm mét vuông cũng bị phá tan tành do cây đổ và phát quang làm đường ra vào. Ông Cung cũng cho biêt, từ đây về hướng thị trấn Krông Kmar, đi bộ hai ngày đường cũng chưa hết khu vực gỗ dổi thường xuyên bị chặt phá trong suốt vụ hạt vừa qua. Đi theo hướng ông Cung chỉ, chưa tới 1/4 quãng đường trên, thì đã thấy 6 bãi gỗ dổi, với rất nhiều cây bị đốn hạ, phần lớn đường kính trên dưới 1m, dài hơn 30m. Còn theo lời bà Vàng Thị Đỏ, ở xã Cư Đrăm, mấy tháng gần đây rất nhiều người dân đổ xô vào rừng Chư Yang Sin kiếm hạt dổi. Nhiều nhóm chặt vài chục cây, thu được cả tạ quả, bán hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên, qua trao đổi, ông Tống Ngọc Chung, Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin cho rằng, khu vực gỗ dổi bị chặt phá có thể đã giao khoán cho dân xã Hòa Lễ theo quyết định 178/QĐ - CP của Chính phủ nên Vườn không quản lý. Ngược lại, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ thì cả quyết, rừng của xã có một số dổi ở tiểu khu 1158, còn chỗ dổi bị chặt phá có thể là ở tiểu khu 1159 và 1174 thuộc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông, một đơn quản lý rừng khác ở huyện Krông Bông khẳng định, đơn vị sau khi nghe tin báo cũng đã triển khai tuần tra, kiểm tra nên chắc chắn khu vực đó không thuộc đơn vị quản lý, hơn nữa gỗ dổi trong lâm phần đơn vị quản lý đã khai thác hết, từ lâu không còn nữa. Hàng chục cây dổi bị triệt hạ đến bây giờ vẫn còn nằm ngổn ngang trong rừng nhưng những chủ rừng trên địa bàn huyện Krông Bông không ai chịu nhận diện tích rừng đó thuộc địa bàn mình quản lý. Thiết nghĩ, ngành quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc điều tra làm rõ trách nhiệm để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Ngọc Khuê
Ý kiến bạn đọc