Multimedia Đọc Báo in

Những bất cập khi chủ thể là hộ gia đình tham gia quan hệ pháp luật dân sự trong lĩnh vực đất đai

09:00, 02/08/2015

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) hiện đang được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân. Trong số 10 nội dung trọng tâm đưa ra lấy ý kiến thì vấn đề giữ hay bỏ chủ thể là hộ gia đình trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến tranh luận. Dưới đây xin đóng góp một số ý kiến về vấn đề này.

Theo quy định tại Điều 106, Điều 108 của Bộ luật Dân sự hiện hành thì hộ gia đình chỉ được xem là chủ thể của quan hệ dân sự khi các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung. Trong lĩnh vực đất đai, có thể hiểu rằng nếu thửa đất được tạo lập do công sức đóng góp của các thành viên trong hộ gia đình thì Nhà nước phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho hộ, ngược lại nếu thửa đất do cá nhân tạo lập của thì phải cấp cho cá nhân. Nhưng qua nghiên cứu Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn hiện hành lại không thấy quy định cụ thể trong trường hợp nào thì Nhà nước giao đất (hoặc công nhận quyền sử dụng đất) cho hộ gia đình và trường hợp nào thì giao đất (hoặc công nhận quyền sử dụng đất) cho cá nhân; Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn hiện hành chỉ quy định chung là đất ở, đất nông nghiệp được cấp cho cả hộ gia đình. Mặt khác, qua tìm hiểu thì những quy định về hộ gia đình trong Bộ luật Dân sự và hộ gia đình trong việc cấp Giấy CNQSDĐ chưa có sự thống nhất, chưa có hướng dẫn rõ ràng.

Từ những quy định chưa cụ thể như đã đề cập trên, cộng với thực tế hiện nay khi tiến hành xem xét cấp Giấy CNQSDĐ, các cơ quan có thẩm quyền thường không chú trọng việc xem  xét kỹ nguồn gốc tạo lập của thửa đất để cấp cho hộ hay cá nhân, mà thông thường để bảo đảm không bị sai sót, khi không xác định rõ nguồn gốc của thửa đất thì Giấy CNQSDĐ thường được cấp cho cả cả “hộ” (kể cả đất nông nghiệp lẫn đất ở), đã dẫn đến thực trạng hiện nay là các thửa đất có ghi trên Giấy CNQSDĐ là thuộc “hộ” gây ra rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp... do những bất cập sau:

Thứ nhất, việc định đoạt tài sản thuộc “hộ” phải có sự đồng ý của các thành viên trong hộ đủ 15 tuổi trở lên theo quy định tại Điều 109 Bộ luật Dân sự làm tốn rất nhiều thời gian và công sức do trong nhiều gia đình các thành viên trong hộ có rất đông và thường cư trú tại nhiều địa điểm khác nhau. Mặt khác, việc yêu cầu phải có sự đồng ý của các thành viên khác trong hộ đối với những trường hợp tài sản đó có thể thuộc quyền sử dụng của cá nhân hoặc là tài sản chung của vợ và chồng là không phù hợp.

Thứ hai, việc dựa vào giấy tờ nào, hay xác định các thành viên hộ gia đình dựa vào tiêu chí nào thì pháp luật cũng chưa có quy định. Thực tế hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước đang căn cứ vào Sổ hộ khẩu để xác định các thành viên trong hộ gia đình. Tuy nhiên, hộ gia đình là chủ thể tham gia giao dịch dân sự nêu tại Điều 106 ở trên không thể đồng nghĩa hoàn toàn với hộ gia đình ghi trong Sổ hộ khẩu gia đình, bởi vì Sổ hộ khẩu gia đình chỉ sử dụng cho mục đích đăng ký để quản lý nhân khẩu thường trú của hộ gia đình. Bên cạnh đó, việc đăng ký hộ khẩu thường trú thường xuyên có biến động do cắt đi, tách hộ, nhập hộ, thậm chí nhập nhờ hoặc người đứng tên chủ hộ trong Giấy CNQSDĐ nhưng không phải là chủ hộ trong Sổ hộ khẩu gia đình... Tuy nhiên trong thực tế, nếu có bất kỳ giao dịch dân sự nào liên quan đến hộ gia đình thì cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân luôn yêu cầu người đại diện phải là chủ hộ trong Sổ hộ khẩu. Thực tế trên đã và đang làm các giao dịch dân sự liên quan đến hộ gia đình bị hiểu và thực hiện lệch lạc so với quy định pháp luật về hộ gia đình.

Từ những bất cập nêu trên, thiết nghĩ, trong lần sửa đổi Bộ luật Dân sự  này, cần mạnh dạn nghiên cứu bỏ quy định xác định hộ gia đình là một chủ thể trong quan hệ giao dịch dân sự. Trên thực tế, hộ gia đình không phải là một chủ thể độc lập trong quan hệ dân sự mà chỉ là chủ thể trong quan hệ hành chính, xã hội khác; việc loại trừ hộ gia đình khỏi Bộ luật Dân sự không có nghĩa hộ gia đình không được coi là chủ thể trong các quan hệ xã hội khác và vần đề này là phù hợp với thông lệ quốc tế khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.  

 Trần Trung Hiếu

(Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.