Multimedia Đọc Báo in

Quản lý bảo vệ rừng vẫn chưa hết khó khăn

07:57, 15/08/2015

Trong quý I, II-2015, công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn tỉnh nhìn chung đã có những chuyển biến tích cực khi số vụ vi phạm lâm luật đã giảm đáng kể, nhiều vụ việc được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Tuy vậy, ở một số địa phương, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, lấn chiếm đất rừng làm rẫy, lâm tặc tấn công lực lượng bảo vệ rừng vẫn còn diễn ra khá phức tạp khiến công tác bảo vệ rừng vẫn chưa hết khó khăn.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra, xử lý  986 vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn, tịch thu 1.646 m3 gỗ các loại, thu sau xử lý  9,6 tỷ đồng, khởi tố hình sự 12 vụ. So với cùng  kỳ năm 2014 giảm 221 vụ (18,3%). Để có được những chuyển biến tích cực đó, thời gian qua các lực lượng chức năng đã thực hiện quyết liệt Chỉ thị 34-CT/TU, ngày 19-1-2015 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác QLBVR, trong đó, công tác thanh, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng được tăng cường nên tình hình vi phạm tại những nơi vốn là “điểm nóng” về phá rừng như huyện Ea H’leo, Buôn Đôn, Ea Súp, M’Đrắk… đã cơ bản được kiểm soát.

Tuần tra bảo vệ rừng ở VQG Chư Yang Sin.
Tuần tra bảo vệ rừng ở VQG Chư Yang Sin.

Tuy nhiên, theo ông Y Sy H’Dơk, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, công tác QLBVR vẫn còn đối mặt với nhiều áp lực. Trong đó phải kể đến là vấn nạn phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn ra từng ngày và rất khó cho lực lượng chức năng trong việc xử lý. Trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có 31,16 ha rừng bị phá để lấy đất làm rẫy. Trong đó, tại huyện Ea Súp, diện tích rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H’Mơ quản lý bị 29 hộ dân từ tỉnh Gia Lai kéo sang xâm canh, khoảng 10 ha rừng đã bị những hộ này phun thuốc diệt cỏ, ken cây lớn và đã tỉa lúa. Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp đã cử lực lượng phối hợp với chủ rừng vận động người dân dỡ lán trại, không được canh tác trên đất rừng đã có chủ; những hộ này chấp hành rút đi, nhưng cho biết sẽ quay lại để chăm sóc và thu hoạch lúa trong thời gian tới (!). Tại lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (huyện Krông Bông) quản lý thời gian qua cũng nóng lên tình trạng phá rừng làm nương rẫy, với khoảng 21,15ha rừng bị phá mà đối tượng chủ yếu là đồng bào di cư tự do từ phía Bắc vào, lực lượng chức năng đã khởi tố 4 vụ, xử phạt hành chính 1 vụ. Ngoài ra, tình trạng chống người thi hành công vụ cũng diễn ra phức tạp, với các đối tượng gần như có tổ chức, manh động, trong đó, đã có 4 vụ lâm tặc vây lực lượng lượng bảo vệ rừng, dùng hung khí tấn công để cướp gỗ và phương tiện. Điển hình vào ngày 14-2-2015, tại xã Ea Bung, huyện Ea Súp, lực lượng kiểm lâm phát hiện xe ôtô mang biển kiểm soát 47C - 048.11 đang lưu thông có dấu hiệu nghi vấn đã yêu cầu dừng xe để kiểm tra, tài xế đã nhấn ga tông thẳng vào xe máy của hai cán bộ kiểm lâm khiến xe máy bị hư hỏng nặng. Sau đó, đối tượng bỏ xe chạy trốn, qua kiểm tra trên xe chở 3,1m3 gỗ cẩm liên không có giấy tờ hợp lệ. Hoặc ngày 25-3, lực lượng kiểm lâm huyện Ea H’leo khi đang tiến hành bắt giữ 3 xe cày chở gỗ trái phép tại thôn 3, xã Ea Khal thì bị một nhóm đối tượng tiến hành tấn công hòng cướp gỗ và phương tiện gây thương tích cho một cán bộ kiểm lâm…

Cũng theo ông Y Sy, để công tác QLBVR trong thời gian tới đạt được hiệu quả cao hơn, ngành Kiểm lâm sẽ tiếp tục tư vấn, tham mưu cho các huyện xây dựng và phê duyệt phương án tổng thể về xử lý, giải tỏa, thu hồi đất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và hướng dẫn các đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã tiến hành thống kê, phân loại đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để giải tỏa, phục hồi lại rừng; xác định các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản, các tuyến đường vận chuyển lâm sản trái phép để tổ chức truy quét, xử lý; đề nghị UBND huyện chỉ đạo công an lập chuyên án xử lý các đối tượng lâm tặc, đầu nậu, những người tiếp tay cho phá rừng, lấn chiếm đất rừng…  

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.