Multimedia Đọc Báo in

Xử lý nghiêm việc dùng hóa chất thúc chín trái cây

08:51, 21/09/2015
Thời gian qua, thông tin về một số cơ sở thu mua, chế biến trái cây sử dụng hóa chất kích thích sầu riêng chín sớm khiến người tiêu dùng hoang mang.

Những năm gần đây, diện tích sầu riêng trong tỉnh liên tục được mở rộng, đem lại thu nhập cao cho nhiều người dân. Bên cạnh đó, mạng lưới các kênh phân phối, bán hàng cũng phát triển mạnh đã góp phần thúc đẩy quá trình tiêu thụ trái cây nhanh hơn, người dân thu hoạch tới đâu được thương lái thu mua tới đó. Tuy nhiên, một số cơ sở sử dụng hóa chất để thúc trái chín trong quá trình sơ chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, thương hiệu của loại nông sản này. Điển hình vào cuối tháng 8-2015, một số công nhân của Công ty TNHH MTV Kim Quý (huyện Krông Pắc) bị ngất xỉu tại xưởng sơ chế sầu riêng phải đi cấp cứu với các triệu chứng sưng, phù nề tay chân, đỏ mắt, choáng đầu… Hay như ngày 6 – 9 vừa qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) đã phát hiện và ngay sau đó tiêu huỷ 24 chai hoá chất, 668 kg sầu riêng tịch thu tại cơ sở thu mua sầu riêng Sang Hương, xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc) vì có hành vi sử dụng hóa chất trái phép để nhúng sầu riêng. Thực tế, việc các cơ sở lạm dụng hóa chất thúc ép sầu riêng chín sớm đã xuất hiện nhiều năm nay; người trồng thường bán cả vườn cho thương lái và đa số sầu riêng thu hoạch khi quả còn xanh, thương lái đưa về nhúng hóa chất cho quả chín đều, không bị sượng múi trước khi bán cho người tiêu dùng... (Để tránh mua phải sản phẩm này, có thể phân biệt bằng cách quan sát sầu riêng chín tự nhiên cuống và gai tươi mới, khi ngửi cảm nhận được mùi thơm tự nhiên, còn quả nhúng thuốc thường có gai và cuống héo rũ, màu sạm…).

 Một cơ sở thu mua sầu riêng tại phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột.
Một cơ sở thu mua sầu riêng tại phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột.

Trước đó, dư luận cũng rất bất bình với việc một số thương lái dùng hóa chất ép mít chín ở các cơ sở thu mua, sơ chế mít tại huyện Krông Pắc và Ea Kar. Theo đó, mít xanh vừa hái trên cây nếu để chín tự nhiên phải mất 10 ngày, nửa tháng nên để có đủ lượng hàng cung cấp cho các cơ sở thu mua múi mít, các cơ sở này sử dụng thuốc thúc chín nhanh chỉ qua một đêm là mít chín đồng loạt. Loại thuốc dùng phổ biến là “Hoa quả thúc chín tố”, chỉ cần pha 6 lọ hóa chất với 500ml nước, dùng thanh sắt dùi lỗ lên quả mít rồi đổ hỗn hợp thuốc vào. Theo tìm hiểu, thuốc thúc chín mít có nhiều loại khác nhau, trong đó có loại dạng bột hoặc loại dạng nước. Hoạt chất có trong “Hoa quả thúc chín tố” là ethrel, thường dùng để kích thích cây cao su ra mủ nhiều hơn. Nếu phun hoặc nhúng chất này vào trái cây sẽ tạo ra dư lượng, dễ gây ngộ độc cho người ăn.

Tình trạng sử dụng hóa chất kích thích trái cây chín không những ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn giảm uy tín của trái cây Đắk Lắk trên thị trường. Chị Bùi Thị Thu Hiền, đường Mai Hắc Đế (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, thông tin đại chúng phản ánh nhiều về tình trạng dùng chất kích thích ép chín sầu riêng, mít, chuối… khiến chị e dè khi mua trái cây về ăn. Trước đây, chị thường có thói quen “tiện đâu mua đó”, nhưng gần đây, chị chỉ mua trái cây khi biết rõ nguồn gốc của sản phẩm là sạch, không dùng chất kích thích và thuốc bảo quản.

Theo Sở NN – PTNT, toàn tỉnh hiện có gần 10.000 ha cây ăn quả các loại, phân bố rải rác khắp các địa phương, tập trung nhiều nhất tại các huyện Krông Pắc, Cư M’gar, Krông Năng và TP. Buôn Ma Thuột, trong đó, một số loại không những được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu. Ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết, để hạn chế tình trạng lạm dụng hóa chất ép chín trái cây, thời gian tới Chi cục sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra thường xuyên tại các cơ sở kinh doanh, sơ chế trên địa bàn và sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật những cơ sở vi phạm.

T.H


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.