Multimedia Đọc Báo in

Cần có biện pháp mạnh ngăn chặn côn đồ phá hoại nông sản

07:30, 18/10/2015

Thời gian qua, tại một số địa phương trong tỉnh nổi lên tình trạng côn đồ chặt phá, đòi tiền “bảo kê” vườn tiêu và ép người dân bán sầu riêng với giá rẻ. Trước thực tế đó, các ngành chức năng, địa phương đã có những biện pháp ngăn chặn, xử lý nhằm bảo đảm an toàn tài sản cho người dân.

Côn đồ lộng hành

Tình trạng phá hoại, cắt trộm cây tiêu trên địa bàn huyện Cư Kuin đã diễn ra từ nhiều năm nay, và đỉnh điểm nhất là từ khoảng từ tháng 5 đến tháng 7-2015, khi xuất hiện một vài đối tượng đến nhà dân đòi tiền bảo kê vườn tiêu. Ông Trương Văn Phụng, Trưởng Công an xã Ea Bhốk cho biết, chỉ cách đây 3 - 4 tháng lực lượng công an xã đã ghi nhận có tới 16 vụ phá hoại vườn tiêu của người dân. Hộ nhiều nhất như gia đình ông Phan Thanh Tá (thôn 3), Mai Thanh Linh và Vương Đình Đức (cùng trú thôn 8), chỉ sau một đêm, mỗi hộ bị cắt hàng chục gốc tiêu đang thời kỳ thu hoạch, thiệt hại hàng trăm triệu đồng/hộ. Hay như tại xã Đray Bhăng, từ đầu năm đến nay cũng có không dưới 20 vụ phá hoại vườn tiêu. Ông Đinh Mạnh H. trú tại thôn Thành Công, xã Đray Bhăng than thở: Khoảng tháng 6-2015, khi gia đình ông đang ăn cơm trưa thì có một người đàn ông gọi điện đến hăm dọa phải đóng tiền để họ bảo vệ vườn tiêu với mức 10.000 đồng/gốc/năm nếu không sẽ bị phá hoại. Người này nói có nhiều hộ quanh rẫy nhà ông đã đóng tiền rồi, chỉ còn gia đình ông chưa đóng. Do trước đó ông H. có nghe một số bà con trong xã bàn tán về tình trạng này và đã có không ít hộ bị kẻ gian phá hoại vườn tiêu nên cũng rất hoang mang, không dám báo công an vì sợ bị trả thù. Muốn êm chuyện, ông H. đành đóng 4 triệu đồng tiền “bảo kê” cho vườn tiêu 400 gốc của gia đình.

Tổ an ninh tự quản buôn Ea Yông B (huyện Krông Pắc) đi tuần tra tại rẫy cà phê của người dân.
Tổ an ninh tự quản buôn Ea Yông B (huyện Krông Pắc) đi tuần tra tại rẫy cà phê của người dân.

Còn đối với mùa sầu riêng vừa qua người dân tại một số địa phương lại phải đối mặt với tình trạng bị côn đồ ép giá thu mua quả, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. Hằng năm, cứ đến mùa thu hoạch sầu riêng là tư thương khắp nơi tìm về tận vườn của bà con để thu mua trái. Nhưng năm nay, khi tư thương vào vườn thu mua sầu riêng thì bị các đối tượng côn đồ trên địa bàn đuổi đánh. Chị Trần Thị L. một tư thương chuyên thu mua sầu riêng tại huyện Krông Năng cho biết, thời điểm trái sầu riêng còn non thì chị đã đến các vườn của bà con để thỏa thuận việc mua bán và giao tiền đặt cọc, chờ đến khi sầu riêng già sẽ cho xe tải đến thu hoạch. Đầu tháng 7 vừa qua, chị đến một hộ dân tại thôn Ea Đing, xã Ea Tân để thu mua sầu riêng thì có 2 đối tượng thanh niên đến đuổi đánh chị. Họ nói sầu riêng trong vùng đều do họ quản lý và thu mua nên không cho tư thương khác vào. Còn đối với người dân, khi không bán được sầu riêng cho các tư thương bên ngoài thì đành phải bán cho các đối tượng “bảo kê” với giá rẻ hơn thị trường từ 5.000 - 10.000 đồng/kg…

Cần những biện pháp mạnh

Ông Nguyễn Trọng Nhiên, Chủ tịch UBND xã Đray Bhăng xác nhận: Thời gian qua có một số hộ dân trong vùng bị các đối tượng lạ nhắn tin, gọi điện ép nộp tiền “bảo kê” và dọa sẽ phá hoại vườn tiêu, nhưng nhiều người dân không dám tố cáo do sợ bị trả thù. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã phối hợp với Công an huyện Cư Kuin tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật trong nhân dân, nâng cao ý thức cảnh giác, tố giác tội phạm, đồng thời tăng cường các biện pháp trông giữ tài sản của gia đình và cộng đồng. Vừa qua, lực lượng công an xã đã phối hợp với quần chúng nhân dân hình thành các tổ liên gia tự quản, trong đó các thành viên là chính người nông dân có rẫy liền kề nhau. Hiện, xã đã thành lập được 60 tổ liên gia tự quản. Các tổ này đã dựng chòi trong rẫy tiêu, cà phê và luân phiên nhau canh gác. Nhờ đó, từ tháng 8-2015 đến nay, trên địa bàn xã chưa ghi nhận thêm trường hợp gia đình nào bị kẻ gian phá hoại vườn tiêu, tình hình an ninh trật tự đã dần được ổn định.

Một lãnh đạo Công an huyện Cư Kuin cho biết, các đối tượng đe dọa, thu tiền “bảo kê” diễn ra thời gian qua phần lớn đều có tiền án, tiền sự, sinh sống tại địa bàn huyện. Trước tình hình trên, công an huyện đã phối hợp với Công an tỉnh và công an các xã lập chuyên án truy quét, sàng lọc các đối tượng để có biện pháp quản lý, răn đe thích đáng. Từ đầu năm 2015 đến nay Công an huyện đã bắt giữ một số đối tượng trộm cắp dây tiêu của người dân, trong đó có những đối tượng đã được đưa ra xét xử lưu động để cảnh báo người dân, đồng thời xử lý nghiêm minh. Điển hình gần đây nhất là ngày 15-9-2015, tại xã Ea Hu, TAND huyện Cư Kuin đã mở phiên xét xử lưu động 3 đối tượng cùng sinh sống trên địa bàn huyện là Phan Trần Thông (trú xã Ea Ning), Trần Minh Thoại và Phạm Văn Việt (trú tại xã Cư Êwi) có hành vi cắt trộm 920 đoạn dây tiêu của người dân ở thôn 5 xã Ea Hu và tuyên phạt Phan Trần Thông 9 tháng tù, Trần Minh Thoại 12 tháng tù, và Phạm Văn Việt 13 tháng tù về tội trộm cắp tài sản…

Dù các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống tội phạm phá hoại nông sản của người dân, song đây mới chỉ ngăn chặn được “phần nổi”, không ai dám chắc tình trạng này không còn xảy ra, nhất là vào thời điểm mùa thu hoạch cà phê sắp tới. Thực tế đó đòi hỏi cơ quan công an, chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ ở các thôn, buôn phải vào cuộc tích cực, quyết liệt hơn để giữ vững an ninh trật tự, ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nêu cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản, giữ vững mối đoàn kết trong thôn, buôn, tích cực theo dõi, cung cấp kịp thời tin báo tố giác tội phạm cho lực lượng công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.